Vietnam Airlines đang tiến hành thoái vốn Cambodia Angkor Air (Ảnh: Internet)
|
Trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2019, CTCP Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã CK: HVN) cho biết đang thực hiện triển khai thoái vốn tại Cambodia Angkor Air.
Theo HVN, phương án tái cơ cấu khoản đầu tư vào Cambodia Angkor Air của hãng đã được Thủ tướng Chính phủ chấn nhận trong năm 2020.
Trước đó, vào tháng 9/2019, HVN cũng đã mời gọi chào giá cho gói dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến việc thoái vốn tại Cambodia Angkor Air.
Cụ thể, HVN cho biết đang nắm giữ tổng cộng 59% vốn của Cambodia Angkor Air, với 49% vốn sở hữu trực tiếp và 10% ủy thác qua Công ty TNHH MTV đầu tư - du lịch và vận tải biển Phương Nam (ủy thác tiếp cho Kasimex góp vốn).
HVN muốn thoái vốn theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, hãng sẽ thoái 49 triệu USD, tương ứng với 49% vốn điều lệ. Giai đoạn 2, hãng sẽ thoái phần vốn còn lại trong thời gian 36 tháng tiếp theo.
Trong tài liệu mời chào giá, HVN cho biết hãng và nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) để ghi nhận kết quả đảm phán về một số điểm cốt lõi trong giao dịch mua bán sáp nhập.
Thanh lý loạt máy bay
Bên cạnh việc thoái vốn tại Cambodia Angkor Air, trên báo cáo tài chính, HVN còn cho biết đã ký các hợp đồng bán 5 máy bay A321 với tổng giá trị thanh lý khoảng hơn 37 triệu USD. Việc bàn giao các máy bay này dự kiến sẽ hoàn thành vào trước tháng 6/2020.
Được biết, tính đến cuối năm 2019, HVN ghi nhận việc thuê tài chính 29 máy bay bao gồm các loại máy bay A321, B787 và ATR-72, với giá trị còn lại là 29.268 tỷ đòng.
Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia còn đang thuê hoạt động 75 máy bay với hình thức thuê khô, bao gồm: A321 (16 máy bay), A321 NEO (19 máy bay), A320 (18 máy bay), ATR72 (1 máy bay), B787-9 (4 máy bay), A350 (14 máy bay) và B787-10 (3 máy bay).
Không chỉ thanh lý máy bay, trước đó, ban lãnh đạo HVN cũng đã lên kế hoạch cắt giảm lương, nhân sự trước tác động của dịch bệnh Covid-19.
Trên báo cáo tài chính, HVN cho biết hãng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến khó dự đoán của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Sự kiện đã tác động trực tiếp đến doanh thu lõi của HVN đến từ lĩnh vực vận tải hàng không.
“Ban Giám đốc đã đánh giá ảnh hưởng tiềm tàng của Covid-19 đối với tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, kèm theo kế hoạch thích hợp trong ngắn hạn và dài hạn để kiểm soát sự không chắc chắn. Theo đó, khả năng hoạt động liên tục của công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp” - báo cáo tài chính kiểm toán của HVN cho hay.
Được biết, trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, HVN là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Tình trạng nguy kịch của các “ông lớn” Nhà nước |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2019 đã kiểm toán, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của HVN đạt 76.454 tỷ đồng, giảm 7,2% so với đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.957 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi ngân hàng) đạt 3.579 tỷ đồng. Như vậy, các khoản tiền mặt của HVN rơi vào khoảng 6.536 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, HVN ghi nhận tổng các khoản vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) đạt 31.934,3 tỷ đồng, chiếm 41,76% tổng nguồn vốn.
Kết quả kinh doanh sau kiểm toán không có nhiều thay đổi. Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của HVN đạt 98.228 tỷ đồng, báo lãi sau thuế 2.537,4 tỷ đồng./.