Tình trạng nguy kịch của các “ông lớn” Nhà nước

VietTimes — Vietnam Airlines đã dùng hết “lương khô”; PVN chịu tác động kép từ Covid-19 và giá dầu giảm; Vinalines không đủ dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu;...

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Theo đó, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Có 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đã dùng hết “lương khô”

Trong đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã CK: HVN) là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của HVN ước đạt 19.212 tỷ đồng (giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước), báo lỗ 2.383 tỷ đồng. Ước tính, số lỗ có thể tăng lên 19.651 tỷ đồng nếu dịch kéo dài và kết thúc trong Quý 4/2020.

Đáng chú ý, ngay từ tháng 3/2020, HVN đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. Số tiền dự trữ vào khoảng 3.500 tỷ đồng hồi đầu năm cũng đã cạn kiệt.

HVN cho biết hãng đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3/2020 đã lên tới 3.568 tỷ đồng. Trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của HVN dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.

“Với tình hình tài chính trong thời gian tới, nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của VNA (Vietnam Airlines - PV) và các công ty con” - văn bản của CMSC nhấn mạnh. Đồng thời, báo cáo còn cho biết HVN cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền là 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020 nhằm đảm bảo khả năng thanh toán.

Được biết, ban lãnh đạo HVN mới đây đã lên kế hoạch “cắt giảm” 10.000 nhân sự, dự kiến tiết giảm được 3.400 tỷ đồng chi phí.  

Vietnam Airlines đã phải "cắt giảm" 10.000 nhân sự để tiết giảm chi phí (Ảnh: Internet)
Vietnam Airlines đã phải "cắt giảm" 10.000 nhân sự để tiết giảm chi phí (Ảnh: Internet)

PVN chịu tác động “kép”

Không chỉ chịu tác động từ dịch Covid-19, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) còn chịu nhiều tác động từ giá dầu giảm ngoài dự báo do cuộc chiến thị phần giữa Nga và các nước OPEC.

Do tác động “kép” của dịch bệnh và giá dầu giảm, các hoạt động dịch vụ của tập đoàn như khoan, vận chuyển, tàu, phân bón, hóa chất đều bị tác động tiêu cực, một số công ty bị lỗ như: Cty Bình Sơn, PV Oil,…

Theo số liệu tài chính của PVN, trong Quý I/2020, tổng doanh thu ước đạt 88.300 tỷ đồng (giảm 13.194 tỷ đồng so với cùng kỳ). Tổng lợi nhuận sau thuế của PVN ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 4.580 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

PVN cho biết, trong trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng sẽ làm doanh thu bán dầu thô năm 2020 giảm tương ứng từ 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng, khiến tổng thu nhập toàn tập đoàn ước giảm từ 23.000 tỷ đồng đến 141.000 tỷ đồng.

Nộp ngân sách từ nguồn thu dầu thô sẽ giảm tương ứng từ 3.111 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng. Nộp ngân sách của PVN giảm từ 5.000 tỷ đồng đến 27.100 tỷ đồng so với kế hoạch.

Tòa nhà trụ sở của PVN (Ảnh: Internet)
Tòa nhà trụ sở của PVN (Ảnh: Internet)

Các “ông lớn” khác thì sao?

Theo báo cáo, doanh thu Quý 1/2020 của Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) ước đạt 4.064 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng (giảm 586 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019).

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu và lợi nhuận của của ACV lần lượt đạt 11.339 tỷ đồng và 1.476 tỷ đồng, giảm lần lượt 10.230 tỷ đồng và 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch.

Ở lĩnh vực giao thông, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ước giảm 15 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2020 do việc hạn chế nhu cầu đi lại của người dân trong mùa dịch Covid-19. Nếu dịch kéo dài tới Quý 4/2020, dự kiến, VEC sẽ lỗ khoảng 140 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 3.698,22 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng trong Quý 1/2020 do không có khách đi tàu, các công ty thành viên phải dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. Dự kiến cả năm 2020, Công ty mẹ - VNR giảm doanh thu từ 700 đến 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm và lỗ từ 634 tỷ đồng tới 935 tỷ đồng, tùy thời điểm kết thúc dịch COVID-19.

Tương tự, Vinalines cho biết hoạt động vận tải biển bị ngưng trệ, khiến các đội tàu của tổng công ty này không đủ việc làm, dẫn tới không đủ dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu.

Doanh thu Quý 1/2020 hợp nhất của Vinalines đạt 2.212 tỷ đồng, giảm 620 tỷ đồng, ước lỗ hợp nhất là 113 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài đến hết Quý 4/2020, Vinalines ước lỗ khoảng 76 tỷ đồng.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trong Quý 1/2020, tổng doanh thu ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với năm trước. Petrolimex ước lỗ 572 tỷ đồng trong quý đầu năm 2020.

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Petrolimex sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước lỗ 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch. Nộp ngân sách dự kiến giảm 500 tỷ đồng nếu dịch kéo dài đến Quý 4/2020.

Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa do các hãng hàng không trong nước và quốc tế tiếp tục tạm dùng các chuyến bay, nhu cầu vận tải đường thủy, đường bộ sụt giảm khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp trong khi tồn kho tăng cao (do đặc thù ngành nghề phải tích trữ đủ lượng tồn kho).

Được cho là sẽ hưởng lợi khi nhu cầu làm việc trực tuyến gia tăng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Tác động chủ yếu của dịch Covid-19 là nguồn cung cấp thiết bị khó khăn do các nhà máy, đơn vị cung cấp vật tư, nguyên liệu điện tử như Ericsson, Nokia, Huawei, ZTE… đều đặt ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch.

Cả năm 2020, VNPT dự kiến giảm 6.161 tỷ đồng doanh thu và 817 tỷ đồng lợi nhuận. MobiFone dự kiến giảm 6.684 tỷ đồng doanh thu và 1.526 tỷ đồng lợi nhuận so với kế hoạch năm.

Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty khác do CMSC quản lý cũng gặp nhiều khó khăn khác nhau do dịch bệnh, như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood2) và SCIC./.