Tại báo cáo giải trình, Vietjet Air đã nêu ra hai lý do chủ yếu tạo nên kết quả tăng trưởng đột biến về lợi nhuận nêu trên. Theo đó:
Lý do thứ nhất là doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa của hãng đã tăng 37% so với cùng kỳ, bởi số tàu trong kỳ đã tăng đến 54 chiếu so với cùng kỳ 39 chiếc.
Thông tin trong Báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2018 cho thấy, hãng bay này đã ghi nhận 6.035 tỷ đồng (làm tròn) doanh thu vận chuyển hành khách trong quý – tăng 52% so với Quý 1/2017 (3.973 tỷ đồng).
Ngoài ra, VJC cũng ghi nhận thêm 1.825 tỷ đồng doanh thu hoạt động phu trợ, tăng hơn 64% so với Quý 1/2017 (1.111 tỷ đồng). Theo thuyết minh của VJC, “doanh thu hoạt động phụ trợ bao gồm doanh thu bán hàng hóa trên máy bay và hàng miễn thuế, doanh thu quảng cáo, doanh thu vận chuyển hàng hóa và doanh thu từ các dịch vụ liên quan đến vận chuyển hành khách”.
Lý do thứ hai, mà Vietjet Air nêu ra, là trong quý 1/2018, hãng có phát sinh khoản doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê 04 tàu trong khi cùng kỳ Quý 1/2017 không có hoạt động chuyển giao sở hữu và thuê tàu. Về cơ bản, có thể hiểu hạng mục doanh thu này của VJC chủ yếu đến từ giao dịch sales and leaseback tàu bay – vốn đã được VietTimes đề cập trong nhiều bài viết.
Theo BCTC hợp nhất Quý I/2018 thì trong quý, Vietjet Air đã ghi nhận 4.726 tỷ đồng doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay. Cùng kỳ Quý I/2017, hãng không xuất hiện hạng mục doanh thu này.
Chính sách kế toán đính kèm tại BCTC này thuyết minh rằng “doanh thu bán máy bay được ghi nhận trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất khi phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liều với quyền sở hữu máy bay được chuyển giao cho người mua”.
Vietjet Air xác nhận, hãng này có các giao dịch bán và thuê lại máy bay là giao dịch mà trong đó khi máy bay được hãng bán và sau đó được chính hãng thuê lại. Như trong Quý 1/2018 vừa qua, là sales and leasback (SLB) 04 tàu.
Phương pháp kế toán áp dụng cho các giao dịch SLB được thực hiện căn cứ theo phân loại phần giao dịch thuê tài sản.
Đối với giao dịch SLB là thuê hoạt động, bộ phận kế toán của VJA ghi nhận theo nguyên tắc “nếu tiền thuê và giá bán được thỏa thuận ở mức giá hợp lý, tức là đã thực hiện một nghiệp vụ mua bán hàng thông thường thì các khoản lãi hay lỗ được ghi nhận ngay trong năm phát sinh”.
VJC cũng nêu rõ các phương pháp kế toán áp dụng trong các trường hợp: nếu giá bán thấp hơn giá trị hợp lý/nếu giá bán cao hơn giá trị hợp lý/nếu giá trị hợp lý tại thời điểm SLB thấp hơn giá trị còn lại của tài sản.
Chưa rõ mức giá hợp lý hay giá trị hợp lý trong các trường hợp nêu trên được xác định theo căn cứ nào và các chuẩn mực định giá nào.
Theo BCTC, lợi nhuận kế toán hợp nhất trước thuế Quý I/2018 của Vietjet Air là 1.481 tỷ đồng – tăng trưởng hơn 3,6 lần so với mức 418 tỷ đồng của cùng kỳ 2017.
Sau khi trừ chi phí thuế TNDN hiện hành và chi phí thuế TNDN hoãn lại, VJC báo lãi 1.366 tỷ đồng sau thuế - cũng tăng trưởng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ 2017.
Mức lợi nhuận của Vietjet Air trong quý I/2018 thực tế không quá khác biệt so với mức lãi mà Vietnam Airlines – đối thủ lớn nhất và cũng là duy nhất của họ - đã ước đạt trong kỳ, là gần 1.460 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này, theo Vietnam Airlines, đã vượt 6,2% kế hoạch.
Nhưng có một điểm khác biệt lớn trong cơ cấu doanh thu của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đó là trong khi doanh thu của Vietnam Airlines chủ yếu phản ánh kết quả vận chuyển hành khách và hàng hóa, thì doanh thu của Vietjet Air – ngoài nguồn thu của hoạt động cốt lõi này – còn có một phần đáng kể đến từ các giao dịch sales and leaseback tàu bay.
Chắc chắn kết quả lợi nhuận của Vietjet Air trong Quý I/2018 sẽ khác đi rất nhiều nếu thiếu việc hạch toán 4.726 tỷ đồng doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay./.