Vietjet Air làm ví điện tử riêng

VietTimes -- Vietjet Air sẽ thành lập công ty trung gian thanh toán để làm ví điện tử với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó Vietjet Air nắm 51%.
Ảnh minh họa (Nguồn: Sở Y tế Hà Nội)

Dùng QR Code để thanh toán không cần dùng tiền mặt (Nguồn: Sở Y tế Hà Nội)

Hội đồng Quản trị CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa ra quyết định thành lập công ty con để làm ví điện tử.

Theo đó, công ty này có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Vietjet Air sẽ góp vốn chiếm 51% vốn điều lệ của công ty này.

Bên cạnh đó, HĐQT Vietjet Air phân công bà Hồ Ngọc Yến Phương, phó Tổng giám đốc kiêm CFO thực hiện các công vệc, thủ tục liên quan đến góp vốn, thành lập công ty con theo đúng quy định của pháp luật.

Theo kết quả khảo sát của Asia Plus gần đây, trong số 20 ví điện tử được người dùng nhắc đến, MoMo chiếm 68% trong thị trường thanh toán, tiếp theo đó là ViettelPay (8% thị phần), Moca (7%), Airpay (6%) và Zalopay (5%). 5 ví điện tử này nắm giữ 94% thị phần thanh toán trên di động tại Việt Nam.

Có 70% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng thanh toán di động ít nhất một lần mỗi tuần, trong đó 21% sử dụng mỗi ngày. Hơn 50% người dùng sử dụng các ứng dụng thanh toán để nạp thẻ cào điện thoại. Ngoài ra, họ cũng dùng để thanh toán một số dịch vụ như: hóa đơn (Internet, điện, nước), chuyển tiền đến bạn bè hoặc người thân và vé tại rạp chiếu phim,…

Trước đó, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho biết, tỷ lệ room nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán hiện đang được cơ quan chức năng lấy ý kiến và chưa đưa ra tỷ lệ nào chính thức.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau, cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để đưa ra tỷ lệ room ngoại phù hợp với lĩnh vực này. Nhiều khả năng sẽ áp dụng 30% hay 49%” - ông Nghiêm Thanh Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã tính tới trường hợp các tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần thông qua pháp nhân tại Việt Nam, nên tỷ lệ sở hữu tối đa sẽ bao gồm cả phần nắm giữ gián tiếp tại các Fintech thanh toán.

Trong giai đoạn 2016-2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 27,3% về tổng giao dịch xử lý và 20,3% về tổng giá trị.

Thanh toán thẻ tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 51,4% về số lượng và 33,8% về giá trị giao dịch trong giai đoạn 2016-2019. Đặc biệt, thanh toán trên Mobile cũng có sự tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 85% về số lượng và 158,5% về giá trị giao dịch.

Trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có những chuyển biến rõ nét, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua.

Những sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ TTKDTM, qua đó góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ./.