|
Từ ngày 01/11 tới, các khoản tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước sẽ kết chuyển về đầu mối tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. |
Tuần qua, thị trường lại đón thêm thông tin một số ngân hàng tăng lãi suất huy động VND. Có hai điểm mới: đã có chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn rất ngắn (1-3 tháng) với lãi suất cao; đã có lãi suất kỳ hạn ngắn 6 tháng vượt trên 8%/năm.
Các đợt tăng lãi suất từ đầu năm 2019 đến nay chưa dừng lại. Những mức lãi suất huy động VND từ 8,5 - 9%/năm đã xuất hiện nhiều hơn, thậm chí trên 10%/năm.
Hiện tượng duy nhất và kéo dài
Chỉ mang tính cục bộ, nhưng những diễn biến trên hình thành hai điểm đáng chú ý nữa, dù chưa đủ để đại diện cho đặc điểm chung trên thị trường.
Một là, đường cong lãi suất có dấu hiệu uốn cao, có lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài.
Hai là, chênh lệch lãi suất cạnh tranh, nếu tính riêng lẻ theo mức cao nhất, đã lên tới khoảng 3%/năm giữa các thành viên - mức ít thấy trong nhiều năm qua.
Trong những dòng chảy đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trở thành một hiện tượng, hiện tượng duy nhất suốt từ năm 2018 đến nay: có lãi suất huy động VND thấp nhất và gần như hoàn toàn đứng bên lề các đợt tăng trên thị trường.
Có thể khác biệt nhất định tại một số địa bàn, nhưng suốt từ đầu năm 2018 đến nay, biểu lãi suất huy động VND của Vietcombank niêm yết trực tuyến gần như không thay đổi, cao nhất chỉ 6,8%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, từ 9 tháng trở xuống cao nhất chỉ 5,5%/năm.
Dù vậy, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng này vẫn đạt khá trong năm 2018 với 13,3%, 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 8,6%.
Vậy, với hiện tượng kéo dài trên, áp lực cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường không chạm tới Vietcombank? Hay thành viên lớn trong “big 4” ngân hàng thương mại Việt Nam này có những cơ sở, giải pháp nào để bình ổn được mặt bằng lãi suất huy động - chi phí đầu vào?
Tại một số hội nghị, lãnh đạo Vietcombank từng lý giải chung rằng: với uy tín trên thị trường, ngân hàng củng cố được niềm tin của người gửi tiền, huy động vốn vẫn tăng trưởng tốt dù áp lãi suất thấp nhất trong hệ thống.
Nhưng đó chưa phải là tất cả để lý giải cho một hiện tượng.
Thử thách mới gần kề?
Trong tương quan ngành, đây là thành viên lớn, có bề dày lịch sử hơn 50 năm, là ngân hàng thương mại quốc doanh sau cổ phần hóa vẫn có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối với những lợi thế riêng có/cũng như có tính quyết định trong cạnh tranh.
Điển hình như, hàng chục năm qua và cho đến nay, đây luôn là đầu mối nhận nguồn tiền gửi lớn của ngân sách nhà nước. Mặt khác, với định hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ nội khối, Vietcombank thuộc khối doanh nghiệp Trung ương với nhiều tập đoàn, tổng công ty và cũng chính là khách hàng tiền gửi lớn…
Bên cạnh những lợi thế đó, hiện tượng “lãi suất bên lề những cuộc đua” tại Vietcombank còn gắn với chiến lược được xác định.
Lãnh đạo ngân hàng này từng lý giải ở chiến lược của Vietcombank những năm gần đây: huy động bán buôn, tín dụng bán lẻ. Huy động bán buôn để thu hút những khoản tiền gửi lớn có chi phí mền hơn; tín dụng bán lẻ vừa để tránh cho vay tập trung, phân tán rủi ro vừa có lãi biên tốt hơn.
“Tích cực mở rộng tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu cho Kho bạc Nhà nước và Bảo hiểm Xã hội. Đẩy mạnh hợp tác thu ngân sách nhà nước thông qua thỏa thuận thành công với một số tổ chức tín dụng để sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank làm kênh ưu tiên cho giao dịch thu ngân sách nhà nước. Phối hợp chặt chẽ và mở rộng cung ứng dịch vụ thu/chi cho Bảo hiểm Xã hội”, Báo cáo thường niên năm 2018 của Vietcombank nêu rõ các đầu mối tiềm năng nguồn tiền gửi lớn (và thực tế cũng thể hiện rõ trên báo cáo tài chính).
“Tập trung vào các giao dịch IPO lớn để phục vụ chuyển đổi ngoại tệ. Bám sát các doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn, các nhà đầu tư tiềm năng để tiếp cận cung cấp dịch vụ liên quan”, cũng theo báo cáo trên, mà điển hình Vietcombank từng là điểm đến của khoản tiền lên tới khoảng 110.000 tỷ đồng thương vụ Nhà nước thoái vốn Sabeco…
Ở kết quả chung, kỳ 6 tháng đầu năm 2019 chưa bóc tách cụ thể, nhưng chốt năm 2018 cho thấy chiến lược “huy động bán buôn” tại đây thể hiện rõ: tỷ trọng huy động vốn từ tổ chức kinh tế tăng lên trong cơ cấu, từ 45,8% năm 2017 lên 48,8%, trong khi tỷ trọng từ cá giảm tương ứng từ 53,9% xuống 51,2%.
Như trên, suốt từ năm 2018 đến nay Vietcombank vẫn bên lề các đợt tăng lãi suất, áp mặt bằng thấp nhất thị trường nhưng huy động vốn vẫn tăng trưởng tốt và dịch chuyển như chiến lược.
Thế nhưng, một thử thách mới đối với huy động vốn của Vietcombank đang đến gần: theo văn bản Bộ Tài chính ban hành cuối tháng 8 vừa qua, từ ngày 01/11 tới, các khoản tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước sẽ kết chuyển về đầu mối tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước./.
Theo BizLIVE
Link: https://bizlive.vn/tai-chinh/vietcombank-voi-mot-hien-tuong-lai-suat-3521483.html