|
Thời gian gần đây, nhiều khách hàng "bỗng dưng" mất tiền trong tài khoảnn - Nguồn: Internet |
“Thời gian qua, các ngân hàng vẫn tiếp nhận thêm các trường hợp khách hàng bị lừa đảo dẫn đến mất tiền trong tài khoản với nguyên nhân được xác định do khách hàng để lộ các thông tin ngân hàng như tên truy cập, mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử, thông tin thẻ ngân hàng...” – thông cáo của Vietcombank nêu rõ.
Theo nhà băng này, để tránh những trường hợp tương tự, khách hàng cần bảo mật các thông tin liên quan đến giao dịch ngân hàng, các thông tin thẻ, và trong mọi trường hợp không cung cấp các thông tin này qua các trao đổi, giao tiếp trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, khách hàng nên đăng ký dịch vụ SMS để biết ngay tình trạng biến động số dư tài khoản ngân hàng và tài khoản thẻ.
Như VietTimes đã đưa tin, thời gian gần đây, nhiều chủ thẻ tín dụng, chủ thẻ ATM tỏ ra lo lắng khi xảy ra hàng loạt vụ bỗng dưng mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
Ngày 31/5, một khách hàng tại quận 7, TP. HCM, có tài khoản thẻ ATM tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phản ánh, ngày 28/5, tài khoản của KH này bỗng dưng phát sinh tới 36 giao dịch trong một đêm, tổng số tiền bị rút là 72 triệu đồng. Mặc dù, trong thời gian này KH đang đi công tác tại Mỹ và không hề thực hiện các giao dịch nói trên.
KH này cho biết, trong ngày 28/5 chị vẫn ở Mỹ nên không nhận được thông báo số dư trong tài khoản từ phía ngân hàng. Phải đến chiều 29/5 (giờ VN), khi sử dụng truy cập tài khoản online, chị mới phát hiện số tiền trên bị mất. Sau đó, KH này đã thông báo với tổng đài của ngân hàng và khóa thẻ để xác minh sự việc.
Được biết, ngân hàng đang khẩn trương tiến hành làm rõ vụ việc. Thông tin ban đầu cho thấy, thẻ của KH này đã bị sao chép thông tin để làm giả và rút trộm tiền. Phía Vietcombank đã tạm thời hoàn trả số tiền bị rút trộm của khách hàng và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc.
Ngày 13/5, ông Nguyễn Thành Nam ở TP. HCM cũng phát hiện mất hơn 30 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng Vietcombank. Số tiền bị thất thoát được dùng để thanh toán mua vé máy bay từ website của hãng Air Aisa tại các nước Đông Nam Á.
Ngày 24/4, một khách hàng của Sacombank ở HN nhận được tin nhắn báo giao dịch rút tiền thành công từ tài khoản. Tuy nhiên, sáng hôm sau KH này mới xem điện thoại và phát hiện bị mất 94 triệu đồng. Mặc dù KH đang ở HN nhưng toàn bộ giao dịch lại diễn ra ở TP. HCM. Sacombank sau đó đã hoàn trả số tiền và thông báo tài khoản khách hàng này đã bị đánh cắp thông tin.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, để tránh trường hợp đáng tiếc nêu trên, người dùng cần chú ý không đăng nhập đường link lạ, cài đặt các chương trình chống vi rút trên máy tính, thay đổi mật khẩu định kỳ và tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ cho người khác, kể cả người thân quen
Vietcombank lưu ý KH một số loại hình tấn công trực tuyến mà tội phạm thường sử dụng hiện nay, bao gồm:
- Lừa đảo tài chính quốc tế: Trò lừa thường bắt đầu bằng một bức thư hoặc email có hình thức như được gửi trực tiếp tới người nhận nhưng thực tế đã được phát tán cho nhiều người để đưa ra đề xuất theo đó người nhận sẽ nhận được một khoản tiền lớn nhưng thực tế thì người nhận sẽ không thể nhận được.
- Trộm danh tính: là hành vi của cá nhân, tổ chức thu thập các thông tin cá nhân của khách hàng để kiếm các lợi ích tài chính, chủ yếu là trộm thông tin thẻ tín dụng, tạo ra một món nợ lớn cho khách hàng.
- Virus: là những chương trình hay đoạn mã được thiết kế để tự nhân bản và sao chép chính nó vào các đối tượng lây nhiễm khác. Virus thường phá hoại máy tính của nạn nhân bị lây nhiễm để lấy cắp các thông tin cả nhân nhạy cảm, mở cửa sau cho tin tặc đột nhập chiếm quyền điều khiển nhằm có lợi cho người phát tán virus. Gần đây, hình thức virus qua email khá phổ biến, xâm nhập vào các thư điện tử và thường xuyên nhân bản để phát tán virus đến những người trong danh bạ của khách hàng.
- Phishing: sử dụng như một tên website giả mạo để đánh lừa khách hàng đăng nhập vào để từ đó lợi dụng, xâm phạm tài chính và thông tin của khách hàng.
- Hacking: truy cập bất hợp pháp vào máy tính khách hàng bằng đường Internet.
- Lừa gạt qua mạng xã hội (facebook, twitter, zalo…): hiện tượng kẻ gian giả mạo hoặc chiếm tài khoản mạng xã hội của người quen, bạn bè và trò chuyện, dụ khách hàng nạp tiền thẻ điện thoại, mua thẻ cào, thẻ game… hoặc tiết lộ các thông tin cá nhân, thông tin bảo mật các dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP). Sau đó kẻ gian lợi dụng, xâm phạm tài khoản.