|
Vietcombank điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10%/năm trong thời gian một năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh. |
Theo Vietcombank, chính sách lãi suất cho vay mới này nhằm phát đi tín hiệu tích cực, phản ánh kỳ vọng của doanh nghiệp vào quyết tâm của Chính phủ.
“Theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, mặc dù là ngân hàng luôn áp dụng các chính sách cho vay với mức lãi suất hợp lý nhất cho các doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, Vietcombank lại tiếp tục đi đầu trong hệ thống ngân hàng khi phát đi thông điệp về việc hạ lãi suất cho vay để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp”, thông tin từ Vietcombank cho biết.
Cụ thể, hưởng ứng theo lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, gói ưu đãi lãi suất lần này của Vietcombank tập trung vào hai điểm chính.
Thứ nhất, Vietcombank điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10%/năm trong thời gian một năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, Vietcombank cung cấp gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng. Gói ngân sách này có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh.
“Với gói giải pháp này từ Vietcombank, các doanh nghiệp không những được hưởng lợi từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng mà còn được ngân hàng hỗ trợ để triển khai phương án kinh doanh với hiệu quả tối ưu, phát triển hoạt động sản xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế”, Vietcombank cho biết thêm.
Từ nửa cuối năm 2015 đến nay, chương trình trên của Vietcombank là tín hiệu bình ổn lãi suất cụ thể đầu tiên trên thị trường.
Trong khoảng thời gian trên và cho đến nay, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại thể hiện xu hướng tăng, đặc biệt từ đầu tháng 3/2016.
Qua biến động trên, lãi suất huy động VND của nhiều ngân hàng thương mại đã lên mức cao mới, phổ biến trên 7%/năm ở các kỳ hạn dài. Cá biệt, một số thành viên áp lãi suất huy động từ 8-8,3%/năm ở các kỳ hạn dài với các điều kiện cao (về yêu cầu đối với các món tiền gửi lớn).
Lãi suất cho vay VND theo đó khó giảm thêm, thậm chí có xu hướng tăng nhẹ.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến ở khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3- 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005- 2006.
Tuy nhiên, với xu hướng tăng lên nói trên của lãi suất huy động, lãi suất cho vay đứng trước áp lực tăng lên; thực tế nhiều khoản vay tiêu dùng, qua thẻ tín dụng… đã bắt đầu tăng.
Còn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, năm 2016, mục tiêu đặt ra từ đầu năm là tiếp tục bình ổn lãi suất, thậm chí có thể tiếp tục giảm nhẹ lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Trong một phát biểu mới đây, lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhà điều hành sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan với lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.
“Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi”, lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận.
Theo VnEconomy