Đặc biệt vì đó là lần đầu tiên một định chế tài chính trong nước đứng ra thu xếp được lượng lớn ngoại tệ như vậy cho Chính phủ vay. Giao dịch thành công, nhưng rất thận trọng.
Nghịch cảnh?
Bỏ qua xì xào về chuyện Vietcombank có vẻ được “ưu ái”, bỏ qua vài thông tin cho rằng ngân hàng này hưởng lợi vì thu được lãi biên tốt…, một người trong cuộc lý giải rằng: nếu để từ hai ngân hàng thương mại đứng ra thu xếp giao dịch trên, cạnh tranh huy động sẽ thể hiện rõ và sẽ tác động bất lợi đến thị trường, cụ thể là vấn đề tỷ giá.
Không cần nhiều thời gian để kiểm chứng. Chỉ riêng thông tin giao dịch 1 tỷ USD nói trên cũng đã từng được cho là một trong những yếu tố tạo con sóng đầu tiên của tỷ giá đầu quý 2/2015 - thời điểm bắt đầu cắt đứt chuỗi mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, việc bình ổn tỷ giá chuyển sang khó khăn, nối tiếp là cú bồi từ biến cố Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ...
Bỏ qua các diễn biến bên lề, các yếu tố kỹ thuật, điểm ghi nhận lớn nhất là lần đầu tiên một ngân hàng nội địa đã thu xếp được lượng vốn ngoại tệ lớn cho Chính phủ, thay vì phải bôn ba tốn kém chi phí đi giới thiệu, thuê tư vấn… để vay nước ngoài.
Những ngày vừa qua, dư luận chú ý thông tin 7,3 tỷ USD nguồn vốn từ Việt Nam gửi ra nước ngoài trong quý 3/2015. Lập tức, một lần nữa, nghịch cảnh "ngân hàng buôn than mà Chính phủ rét" lại được đặt ra.
Phần lớn sự chú ý tập trung ở thực tế đơn giản: trong khi một lượng lớn ngoại tệ như vậy đi gửi nước ngoài, thì Chính phủ vẫn đang chật vật trong cân đối ngân sách, đặc biệt là với kế hoạch huy động 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế dự kiến năm nay (nếu vay được, chi phí dự báo cũng không hẳn dễ chịu).
Thậm chí một số thông tin bình luận nêu lên như nghịch cảnh, các “đại gia” tăng gửi tiền ra nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế còn thiếu vốn, rồi quan ngại là bẫy thanh khoản ngoại tệ đối với nền kinh tế…
“Đừng chỉ thợ may khâu áo”
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng. “Bình thường” là từ được đại diện này nhấn mạnh hai lần trong nội dung phản hồi về sự đột biến 7,3 tỷ USD nói trên.
Quan trọng hơn, đại diện Ngân hàng Nhà nước có nói một câu: “Số liệu này biến động thường xuyên, liên tục và phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế trong nước”.
Cùng quan điểm trên, một chuyên gia VnEconomy tham vấn lưu ý rằng, cả một bức tranh và vận động của nền kinh tế phía sau con số đó, không nên tung ra một cách thiếu đầy đủ, hoặc tách hẳn nó ra khỏi bức tranh chung mà dễ dẫn tới hoảng hốt; thêm nữa, cấu phần bên trong 7,3 tỷ USD cũng cần được nắm rõ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đã giải thích cụ thể, những cấu phần trả nợ nước ngoài, thanh toán thương mại và xuất nhập khẩu, tiền gửi của tổ chức tín dụng và tiền gửi của khu vực khác…
Để thực hiện và hình thành các cấu phần trên, các ngân hàng thương mại phải xuyên qua rất nhiều nghiệp vụ, tài khoản và quan hệ với các đối tác, đại lý. Tất cả đều được Ngân hàng Nhà nước giám sát, quan trọng hơn là phải tuân thủ theo pháp luật cho phép, cùng cơ chế quản lý ngoại hối chặt chẽ.
“Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã giải thích rõ sự đột biến trên không phải do chính sách lãi suất 0% trong nước, vì chính sách này sát cuối quý 3/2015 mới thực hiện. Nên nhìn nhận đây là một diễn biến rất bình thường của dòng vốn trong nền kinh tế, trong kinh doanh của các ngân hàng thương mại”, chuyên gia trên nói.
Khi đề cập đến nghịch cảnh “ngân hàng buôn than, Chính phủ rét” nói trên, chuyên gia này nhấn mạnh thêm: “Đừng lo, hay đừng có chỉ thợ may cách khâu áo! Các ngân hàng họ phải xoay xở hàng ngày, tiên lượng các tình huống để sử dụng vốn, chứ đâu phải muốn là chất 7,3 tỷ USD lên máy bay đem đi gửi là đi đâu. Chuyện Chính phủ muốn vay ngoại tệ nước ngoài cũng phải nhìn ở thực tế khác, trong bức tranh chung khác”.
Thứ nhất, một cấu phần trong tiền gửi nước ngoài của các ngân hàng thương mại là bắt buộc, nhằm đảm bảo các giao dịch thanh toán thương mại, xuất nhập khẩu, bảo lãnh L/C…
Thứ hai, các khoản tiền gửi là ngắn hạn, thanh khoản cao và linh hoạt, trong khi nhu cầu vay vốn của Chính phủ chủ yếu là dài hạn.
Thứ ba, nếu Chính phủ ngắm tới 7,3 tỷ USD đó, nhiều mối quan hệ và cân đối vĩ mô chịu ảnh hưởng phải cân nhắc.
Không tham bát bỏ mâm
Trong năm 2015, dư luận đã từng chú ý (và có những phản ứng trái chiều) về thông tin Chính phủ muốn nghiên cứu vay quỹ dự trữ ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đang quản lý. Hướng gợi mở này đến nay chưa có diễn biến mới.
Còn trước con số 7,3 tỷ USD thì sao?
7,3 tỷ USD là con số đại diện cho một phần, một mức độ nguồn lực ngoại tệ trong nền kinh tế, đang nằm trong dân cư. Nếu Chính phủ phát hành trái phiếu hoặc huy động qua các ngân hàng đại lý, lãi suất hấp dẫn, tạo tính thanh khoản cho trái phiếu, thì có khả năng huy động và tranh thủ được.
Nhưng nếu làm vậy, mâu thuẫn rõ ràng với chính sách chống đô la hóa, chuyển đổi quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán mà Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị và làm trong cả thập kỷ qua.
Nếu làm vậy, đồng USD càng thêm giá trị, tâm lý găm giữ ngoại tệ thêm sâu sắc, và đối nghịch là giá trị và vị thế của VND, tỷ giá tiếp tục là vấn đề phức tạp.
Hẳn dư luận chưa quên tác động khủng khiếp của bất ổn tỷ giá đối với kinh tế vĩ mô, thậm chí cả với ổn định xã hội, sự hỗn độn trên thị trường và trong hệ thống ngân hàng giai đoạn 2008-2011, dù có những nguyên do và tác động khách quan.
Bản thân Chính phủ hẳn cũng quan ngại sâu sắc mối liên hệ giữa biến động tỷ giá với chi phí vay nợ, dư nợ nước ngoài hiện có. Cũng lưu ý rằng, sau khi Việt Nam “tốt nghiệp” lớp xóa đói giảm nghèo, chi phí các khoản vay và tài trợ từ nước ngoài tới đây sẽ bớt đi ưu đãi và thị trường hơn.
Tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lạm phát, lãi suất. Trong giả định trên, Chính phủ áp lãi suất USD hấp dẫn để huy động nguồn lực mà 7,3 tỷ USD nói trên đại diện, lãi suất VND khó đứng yên. Lãi suất tăng, chi phí vay sản xuất, tiêu dùng của nền kinh tế đội thêm, sức cạnh tranh hàng và doanh nghiệp Việt Nam càng giảm…
Trong bức tranh chung của các yêu cầu cân đối và đa mục tiêu đó, không thể cùng lúc đạt được tất cả các mục tiêu và mong muốn, thì cho đến thời điểm này, nhìn vào chính sách thì thấy, Chính phủ đã không tham bát bỏ mâm.
Nhưng bằng con đường khác, sẽ cần nhiều thời gian để kiểm chứng kết quả, qua Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ muốn kích thích chuyển đổi vốn ngoại tệ trong dân cư thay vì vay mượn nó.
Ở một diễn biến có liên quan, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng lượng lớn ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ đã gia tăng mạnh trở lại.
Theo VnEconomy