Viet Research: Gần nửa số người lao động thích tìm việc qua Facebook, LinkIn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cùng với các kênh tìm việc làm qua giới thiệu, website tuyển dụng, website doanh nghiệp, kênh quảng cáo online, hội chợ xúc tiến việc làm, thì mạng xã hội đã trở thành kênh tìm kiếm việc làm ưa thích nhất của người lao động.

Viet Research: Gần nửa số người lao động thích tìm việc qua Facebook, LinkIn

Đó là một trong những kết quả quan trọng của nghiên cứu khảo sát thị trường lao động, môi trường làm việc do Viet Research thực hiện, vừa được công bố tại Lễ vinh danh Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE500) và Top 10 nơi làm việc tốt nhất việt nam 2023 (VBW10), vừa diễn ra chiều nay (8/12/2023).

Theo nghiên cứu của Viet Research, người lao động Việt Nam có 5 kênh tìm kiếm việc làm ưa thích. Trong đó, mạng xã hội như Facebook, LinkIn xếp đầu bảng với 48,8%, xếp tiếp theo đó là kênh tìm kiếm việc làm qua người thân giới thiệu, các website tuyển dụng, các website doanh nghiệp, các kênh quảng cáo online và hội chợ xúc tiến việc làm.

Trao đổi tại lễ vinh danh VBE500 và VBW10, ông Nguyễn Văn Trúc – Giám đốc nghiên cứu dự án VBE500 của Viet Research cho rằng điều này dễ hiểu với sự phát triển của mạng xã hội, với sự đa dạng, đa kênh và tương tác cao, giúp người lao động tiết kiệm chi phí và thời gian tìm việc cũng như tăng cơ hội tìm việc làm.

Cũng theo ông Trúc, môi trường, văn hóa doanh nghiệp thân thiện, năng động, sáng tạo; và danh tiếng của công ty cũng như người lãnh đạo là 2 trong số 5 lý do quan trọng mà người lao động lựa chọn công việc. 3 lý do quan trọng khác là chế độ thu nhập và phúc lợi, cơ hội và lộ trình phát triển nghề nghiệp, khả năng cân bằng giữa công việc và thực tế.

Trong số 9 kỹ năng cần thiết để người lao động nâng cấp bản thân, đại diện nhóm khảo sát VBE500 cho rằng kỹ năng học hỏi và ứng dụng; năng lực đổi mới và sáng tạo; và ngoại ngữ là 3 kỹ năng quan trọng nhất.

Trao đổi về thị trường tuyển dụng và việc làm, ông Trương Minh Tiến - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) - cho rằng, năm 2023 ghi nhận thị trường lao động Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể. Bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có nhiều ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng lên.

vt_truong minh tien 123.jpg
Giám đốc điều hành Viet Research Trương Minh Tiến (phải) trao chứng nhận cho doanh nghiệp có sản phẩm sáng tạo hiệu quả.

“Nhờ tốc độ tăng ở một số ngành đã giúp giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống trong thời gian qua” – Giám đốc điều hành Viet Research nêu quan điểm và cho rằng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động.

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao càng thể hiện rõ vai trò, trở thành yếu tố then chốt gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Dẫn quan điểm của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng “nhân tài, chứ không phải vốn, sẽ là yếu tố chính liên kết sự đổi mới, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong thế kỷ 21”, lãnh đạo Viet Research cho rằng các thiết bị, nhà xưởng hay vốn tài chính đã không còn là những tài sản quan trọng bậc nhất của mỗi doanh nghiệp. Thay vào đó, những nguồn lực vô hình như tri thức, kỹ năng, và các mối quan hệ trở thành những lợi thế cạnh tranh hàng đầu.

Theo ông Tiến, nếu biết tận dụng điều này, doanh nghiệp sẽ trở thành “thỏi nam châm” thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng, đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài, cũng như nhanh chóng thích ứng với những biến động khó lường của nền kinh tế.

Kích thích, quy tụ người lao động cống hiến

Cùng quan điểm với chuyên gia của Viet Research, PGS. TS. Vũ Minh Khương – Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, cũng cho rằng, “mạng xã hội ảnh hưởng rất nhiều tới người lao động, không gì tiếp thị tốt hơn là ý kiến của từng người lao động”. Theo ông Khương, người lao động hài lòng với công việc, yêu quý doanh nghiệp và thể hiện điều đó bằng vài dòng trạng thái tích cực lên mạng xã hội chính là yếu tố kích thích, quy tụ người lao động, người tài hiệu quả nhất.

vt_vu minh khuong 1.JPG
PGS. TS. Vũ Minh Khương cho rằng nền tảng sức mạnh của doanh nghiệp chính là người lao động có tầm nhìn về tương lai.

Cho rằng “mỗi người là một kho báu, mỗi người lao động đều có năng lực, có cái tài riêng”, ông Vũ Minh Khương nêu quan điểm, nếu được quản trị tốt, người lao động không chỉ cố gắng làm việc mà hiệu quả cống hiến còn được nhân lên nhiều lần.

Nhắc tới bài học của Singapore về nỗ lực biến những thiệt thòi, khó khăn, thách thức thành sức mạnh đặc biệt, ông Khương cho rằng việc quan trọng là đưa con người thành nhân tố vượt trội. “Nền tảng sức mạnh của doanh nghiệp chính là người lao động có tầm nhìn về tương lai” – ông Khương nói.

Ông William Badger – Chủ tịch Tiểu ban Nhân sự và Đào tạo, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) - cho rằng Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển ngoài mong đợi trong 5 năm vừa qua, và đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp thu hẹp khoảng cách với các cường quốc.

“Bất chấp khó khăn, thách thức thời gian vừa qua, Việt Nam đã phát triển nhanh về công nghiệp mũi nhọn, công nghệ thông tin, thu hút nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động” – đại diện EuroCham ghi nhận. Dẫn thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông William Badger cho biết từ quý 3/2023, nhu cầu về nhân lực tăng lên khiến việc đào tạo nguồn nhân lực trở thành xu hướng quan trọng.

Từ quan điểm “cần nhân lực chất lượng cao, kỹ năng mềm tốt, giàu trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế”, người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự và Đào tạo của EuroCham cho rằng chính các doanh nghiệp cần thay đổi quan điểm. Thay vì chờ tuyển dụng nhân sự, các doanh nghiệp nên tham gia sâu vào việc đào tạo nhân lực, có kế hoạch để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng, đặc biệt là các kỹ năng liên quan công nghệ, kỹ năng mềm và kỹ năng đặc thù của ngành nghề.

“Các doanh nghiệp cần có đầu tư, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên để tận dụng nguồn lực, tạo tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp và người lao động, tránh tình huống nhiều DN đã đầu tư vào khu công nghiệp nhưng gặp vướng mắc về tuyển dụng khiến công việc đình trệ” - ông William Badger nêu quan điểm./.