Theo báo cáo này, trong quí 2 Việt Nam tiêu thụ 14,5 tấn vàng, trong đó có 10,8 tấn là vàng miếng, còn lại là vàng nữ trang. Như vậy, mức tiêu thụ đã giảm khoảng 23% so với quí 1. Nhu cầu tiêu thụ vàng miếng giảm đến 25%, vàng nữ trang giảm gần 16%.
Tính trong 6 tháng đầu năm, lượng vàng tiêu thụ của Việt Nam vào khoảng 33,3 tấn, bằng gần 48% so với cả năm ngoái.
Tiêu thụ vàng miếng giảm là do khoảng chênh lệch giữa giá thế giới và trong nước luôn ở mức cao, cụ thể vào khoảng 100-150 đô la Mỹ/oz, (thực tế giá vàng trong nước luôn cao hơn 3 triệu - 5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới từ đầu năm đến nay-PV)
Nhận định này của Hội đồng Vàng trùng khớp với lượng tiêu thụ vàng của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Ở Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh vàng cho biết, trong những ngày giá vàng biến động mạnh gần đây do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, sức mua cũng chỉ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Ngày bán ra nhiều nhất của SJC cũng vào khoảng 1.000 lượng, còn thường thì giao dịch chỉ vài trăm lượng/ngày, trong khi vào các năm trước con số bình quân vào khoảng 2.000 lượng/ngày.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cũng cho biết trong thời gian qua người dân đã bớt mua vàng vì giá chủ yếu vẫn đi xuống, giá vàng chỉ thực sự tăng lên lại sau những diễn biến của đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Việc khó dự báo xu hướng giá cũng khiến cho người đầu tư do dự.
Điểm nổi bật là tiêu thụ nữ trang có giảm so với quí 1, nhưng nếu so với cùng kỳ, lượng vàng nữ trang tiêu thụ vẫn tăng khoảng 22%. Và trong 6 tháng đầu năm nay,con số này đã bằng khoảng 63,5% so với cả năm 2014.
Theo lý giải của Hội đồng Vàng Thế giới, chính do giá vàng trong năm nay giảm đã kích hoạt sức mua nữ trang. Thêm vào đó, việc chênh lệch của giá vàng trong nước so với thế giới chủ yếu là đối với vàng miếng, còn với vàng nữ trang mức chênh lệch không nhiều so với giá thế giới nên rủi ro không cao. Điều này cũng khiến người dân tăng mua nữ trang.
Ngoài ra, theo WGC, không loại trừ khả năng nhà đầu tư chọn vàng nhẫn chỉ để nắm giữ thay vì vàng miếng nên lượng vàng nữ trang tiêu thụ tăng lên, trong khi tiêu thụ vàng miếng sụt giảm.
Lượng vàng tiêu thụ tại Việt Nam tăng mạnh vào năm 2013 lên mức 97 tấn, khi Ngân hàng Nhà nước quyết định đứng ra nhập vàng, đấu thầu bán ra cho các ngân hàng để bù đắp trạng thái vàng còn thiếu. Sau đó các ngân hàng buộc phải ngưng hoạt động huy động và cho vay vàng. Đến năm 2014 hoạt động đấu thầu vàng chấm dứt, có nghĩa là Việt Nam ngưng hẳn việc nhập vàng chính thức cho đến nay.
Nhưng theo WGC, trong 2014 Việt Nam vẫn tiêu thụ khoảng 69,1 tấn vàng và trong 6 tháng đầu năm nay, lượng tiêu thụ tuy có giảm vẫn ở mức 33 tấn.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, khi cần thiết, cơ quan này vẫn sẽ đấu thầu bán vàng để ổn định thị trường, tuy vậy trong thời gian qua cơ quan này chưa phải can thiệp vì nhu cầu vàng không lớn.
Hiện tại, dù tiêu thụ nữ trang tăng, nhưng doanh nghiệp nữ trang trong nước không có nguồn cung nguyên liệu được nhập chính thức mà phải mua trôi nổi trên thị trường. Điều này khiến cho không nhiều doanh nghiệp lãi lớn từ nữ trang.
Theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP doanh nghiệp được đề xuất mua vàng nguyên liệu nhập khẩu lên NHNN nhưng đến nay vẫn chưa doanh nghiệp nào có được nguồn cung này.
Giá vàng SJC đã giảm 2,8% kể từ đầu năm nay, trong khi đó mức giảm của giá vàng thế giới cùng thời gian là 6,6%.
Hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá thế giới vào khoảng 4,8 triệu đồng/lượng. Khoảng cách này bị kéo dãn ngoài việc giá vàng trong nước giảm chậm hơn, còn do giá đô la Mỹ niêm yết của các ngân hàng đã tăng thêm 3% so với đầu năm nay.
Theo định nghĩa của Hội đồng Vàng Thế giới thì “Nhu cầu tiêu thụ [vàng] là tổng lượng vàng nữ trang và vàng thỏi tiêu thụ trong một nước hay nói cách khác, đó là tổng lượng vàng các cá nhân mua trực tiếp”.
Theo TBKTSG