|
Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch phát biểu tại hội thảo về bản quyền phần mềm diễn ra ngày 29/8 tại Hà Nội. |
Sáng ngày 29/8, Hội Sở hữu Trí Tuệ Việt Nam (VIPA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức hội thảo "Cơ hội tìm hiểu cách thức sử dụng phần mềm hợp pháp và hiệu quả cho doanh nghiệp". Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp phần mềm lớn là thành viên của BSA như Microsoft, PTC, Autodesk, Siemens, CNC Mastercam… và khoảng 50 doanh nghiệp trong nước.
Chia sẻ tại hội thảo này, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho biết Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm những năm vừa qua.
"Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) từng đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới. Nhưng hiện nay, chúng ta đã không còn nằm trong danh sách đó", ông Minh nói.
Theo thống kê của BSA, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam là 92% vào năm 2004. Đến năm 2011, tỷ lệ này giảm xuống còn 81% và tiếp tục giảm còn 78% trong năm 2015.
Kết quả trên, theo đánh giá của ông Trần Văn Minh, là nhờ vào nỗ lực đồng bộ của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan. Bên cạnh đó, các cơ quan liên ngành của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và Bộ Công an cũng đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra việc tôn trọng bản quyền phần mềm.
Trong 10 năm từ 2006 đến 2016, các cơ quan liên ngành của hai bộ trên đã tiến hành thanh tra 541 doanh nghiệp, kiểm tra 27.602 máy tính và xử phạt vi phạm hành chính 8,613 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, các cơ quan liên ngành đã thanh tra 55 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 1,38 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ xâm phạm bản quyền trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn ở mức cao, khoảng 3/4 (78% theo thống kê của BSA) phần mềm thương mại phổ thông sử dụng trong các doanh nghiệp là phần mềm không có bản quyền.
Ngoài việc đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vi phạm khi bị cơ quan thanh tra liên ngành phát hiện, BSA và các nhà cung cấp phần mềm cho rằng việc sử dụng các phần mềm vi phạm có thể khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ về bảo mật do không có các bản vá cập nhật và thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhà cung cấp.
"Việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp hay phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mã độc hay tấn công mạng có mối liên hệ chặt chẽ", ông Gary Gan, giám đốc chương trình tuân thủ Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương của BSA nói. "Vì thế, lời khuyên đầu tiên của tôi đối với doanh nghiệp Việt Nam là nên sử dụng phần mềm có bản quyền. Có như vậy, các bạn mới có được những bản vá mới nhất từ các công ty phần mềm, dù bạn đang sử dụng phần mềm của công ty nào".
Tại hội thảo, bà Chế Tuyết Vân, phụ trách về bản quyền phần mềm của công ty Sienmens PLM Việt Nam cho biết Siemens đều đặn ra bản cập nhật phần mềm dành cho các nhà sản xuất sau khoảng 6 tuần. Các doanh nghiệp sử dụng phần mềm của Siemens không có bản quyền có thể phải loay hoay xử lý những lỗi đã được vá trong các bản cập nhật. Điều này ảnh hưởng đến việc ổn định sản xuất của các doanh nghiệp dùng phần mềm lậu.