|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Thời gian qua, thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao về đẩy mạnh ứng dụng CNTT, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện, bước đầu đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong số các nước trung bình về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn một số mặt hạn chế, như: tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử của các bộ, ngành chưa cao; một số cơ chế mới về quản lý đầu tư CNTT chậm được ban hành; cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, cơ quan nhà nước cấp độ 3,4 mới đạt 64% kế hoạch năm 2016; đầu tư phát triển hạ tầng CNTT, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng còn nhiều bất cập, chưa được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm đúng mực, để xảy ra một số vụ việc khá nghiêm trọng.
Trong thời gian tới, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (liên quan trực tiếp đến CNTT) đòi hỏi phải đẩy mạnh phát triển CNTT một cách toàn diện, bao gồm ứng dụng CNTT, hạ tầng CNTT và công nghiệp CNTT, bắt kịp xu thế phát triển chung của thế giới.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết 36a và các văn bản chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời kêu gọi cộng đồng CNTT hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp, phấn đấu đồng hành cùng mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó có 10% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Startup – phát triển trên nền tảng sáng tạo khoa học công nghệ và CNTT).
Trên cơ sở các tiêu chí đánh giá Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ nhiệm vụ và thời hạn thực hiện nhằm nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các năm sau.
Kiên quyết đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, thực hiện việc thuê ngoài đối với các dịch vụ công liên quan thanh toán, chi trả, bảo đảm hiệu quả, thuận tiện, tiết kiệm và công khai, minh bạch.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách về bảo đảm an toàn thông tin, chú trọng việc thu hút, ưu đãi trong sử dụng và phát triển nhân lực an toàn thông tin; ưu tiên nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thiết bị an toàn thông tin đặc thù, chuyên biệt của Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên tuyền nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trong thời đại bùng nổ ứng dụng Internet và thiết bị thông minh.