Việt Nam sẽ thành “đại gia” A rập Xê út nếu mua nhiều vũ khí Mỹ

Sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức thông báo bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trong chuyến viếng thăm kết thúc hôm qua 25/5, có nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội sẽ đặt mua chiến đấu cơ F-16 và phi cơ trinh sát P-3 Orion.
Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ
Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ

Defense News dẫn một nguồn tin quốc phòng Mỹ nói rằng Việt Nam đang muốn cải thiện năng lực bảo vệ vùng trời của mình cũng như an ninh hàng hải, và như vậy hai loại phi cơ trên rất thích hợp. Ngoài ra Hà Nội cũng cần các loại máy bay không người lái để giám sát trên biển. Nguồn tin trên còn cho biết Việt Nam muốn Mỹ bán cho loại máy bay trinh sát P-3 cùng loại với Đài Loan, có trang bị ngư lôi, trước đây bị ngăn trở bởi lệnh cấm vận, còn chiến đấu cơ F-16 thì cùng kiểu mà Mỹ đã bán cho Indonesia.

Tờ Sputnik của Nga hôm qua dẫn lời nhà cựu ngoại giao Mỹ Jim Jatras cho biết, Việt Nam có thể quan tâm đến các chiến đấu cơ như F-16 của Lockheed hay F/A-18 Super Hornet của Boeing. Bên cạnh đó là các tàu tuần tra do Lockheed Martin và General Dynamics sản xuất, cũng như các loại vũ khí thông minh của hãng Raytheon và Boeing.

Trước đó nhà phân tích Mark Bobbi của IHS cũng đã nhận định, quân đội Việt Nam cần các máy bay tuần tra trên biển như loại P-3Cs của hãng Lockheed, cũng như các máy bay tiếp liệu trên không như KC-46 của hãng Boeing. Còn về tàu tuần duyên, Hà Nội cần loại nhỏ hơn của hải quân Mỹ và được thiết kế để hoạt động gần bờ.

Theo ông Jatras, việc bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một bước tiến mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí đứng thứ 8 trên thế giới với mục đích tự vệ trước những nguy cơ xung đột ở Biển Đông. Và nếu Hà Nội mua nhiều thiết bị quân sự từ Mỹ thì có thể trở thành một Ả Rập Xê Út khác đối với Mỹ và có nhiều ảnh hưởng hơn.

Mỹ rất quan ngại trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông. The Diplomat (Nhật Bản) cho rằng việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí trước mắt chưa ảnh hưởng gì đến Nga, bạn hàng lâu năm của Hà Nội, nhưng về lâu dài sẽ có tác động.