Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 nằm trong số 50 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử

VietTimes-- Ngày 11/3 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nhân dịp này VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT về chương trình này.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa

PV: Thưa ông, Cục Tin học hóa là đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", xin ông cho biết Dự thảo Chương trình đã định hướng gì cho chuyển đổi số Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Trong dự thảo Chương trình chúng tôi đề xuất định hướng lớn hay tầm nhìn đến năm 2030 của chuyển đổi số Việt Nam là: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Khi Chương trình này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chắc chắn sẽ có hiệu ứng rất tích cực. Ông có thể cho biết những đối tượng nào được hưởng lợi từ Chương trình này?

Có thể nói, đối tượng hướng tới của Chương trình là thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, làm cho tất các chủ thể chính của xã hội đều được tác động và hưởng lợi, cụ thể:

Cơ quan nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, minh bạch hơn, giảm tham nhũng.

Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra doanh thu, giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh; công nghệ số giúp các doanh nghiệp tái tư duy hướng kinh doanh, tái đánh giá chuỗi giá trị, tái kết nối với khách hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Người dân có cơ hội bình đẳng hơn trong tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức; cuộc sống vật chất và tinh thần được nâng cao thông qua việc trải nghiệm các dịch vụ số, dịch vụ thông minh trong các ngành, lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống như y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, năng lượng,...

PV. Đối với các doanh nghiệp viễn thông, công nghiệp, công nghệ thông tin thì chương trình có phải là một "bệ phóng" cho họ?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Một trong những trụ cột của chuyển đổi số quốc gia là phát phát triển kinh tế số, vì vậy trong Chương trình có nhiều nội dung, từ việc chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế cho đến phát triển hạ tầng, nền tảng số đều hướng tới tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp viễn thông, công nghiệp, công nghệ thông tin, một mặt được tạo điều kiện chuyển đổi số để phát triển như mọi loại hình doanh nghiệp khác, nhưng mặt khác cũng phải có sứ mệnh là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho toàn xã hội và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực vươn ra thị trường toàn cầu.

PV. Ông có nhận định thế nào về tính hiệu quả của Chương trình, những thuận lợi khó khăn khi triển khai Chương trình vào thực tế cuộc sống?

Khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt, đây sẽ là khung chung cho chuyển đổi số quốc gia, căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương dựa trên lợi thế đặc thù, xây dựng và triển khai Chương trình 5 năm và Kế hoạch hàng năm về chuyển đổi số của mình.

Khi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay thực hiện chuyển đổi số, các mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được đưa ra trong nội dung chương trình sẽ đạt được và các đối tượng là nhà nước, người dân, doanh nghiệp đều được hưởng lợi.

Trong dự thảo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 30% GDP, người dân được thụ hưởng, trải nghiệm nhiều dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, giao thông, môi trường, cung cấp điện năng.

Với đặc thù khác biệt của Việt Nam, việc chuyển đổi số nói chung có những thuận lợi và khó khăn:

Về thuận lợi, Đảng và Nhà nước có nhận thức và chủ trương đúng đắn, kịp thời về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hệ thống chính trị, doanh nghiệp, con người Việt Nam có ý chí và khát vọng về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Xuất phát điểm từ một nước đang phát triển, Việt Nam không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ. Hạ tầng công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng công nghệ của Việt Nam phát triển rất nhanh. Nguồn nhân lực Việt Nam trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh và có khát vọng làm giàu;

Việt Nam có điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên.

Về khó khăn, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nên nguồn lực đầu tư hạn chế; Thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế số, Đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo chưa cao. Đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chưa đáp ứng nhu cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng ICT còn thấp.

Tuy nhiên, trong nội dung của Dự thảo Chương trình đã tận dụng các thuận lợi, có các giải pháp khắc phục khó khăn để thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam đạt kết quả.