Sáng 16/11, tại Hội thảo hợp tác Việt Nam - Diễn đàn kinh tế thế giới trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, quan điểm của Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu lựa chọn kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng và là một trong 3 khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của giai đoạn 2011 - 2020.
Mặc dù có những khó khăn trong những năm qua nhưng Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn khá lớn và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng.
Giai đoạn 2012-2016 Việt Nam huy động được 45 tỷ USD cho đầu tư phát triển, trong đó chủ yếu cho thực hiện đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng.
Huy động vốn ODA và vay ưu đãi, được tập trung cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững giảm nghèo, an ninh lương thực,.... trong đó các dự án kết cấu hạ tầng chiếm tỷ trọng thu hút lớn trong thu hút ODA, giai đoạn 2011-2015 đạt 26,5 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 47% tỏng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Công tác huy động vốn từ khu vực tư nhân đã triển khai theo rất nhiều hình thức với kết cấu khá thành công đối với mô hình BOT. Chưa có nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức hợp đồng PPP nhưng đã có sự tham gia đầu tư trực tiếp vào các cảng biển với quy mô hiện đại như bến cảng Container Tân Cảng Cát Lái (Công ty Tân Cảng); bến cảng Container Trung tâm Sài Gòn SPCT (liên doanh DP World - Ả rập Saudi); ... ước tính nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân trong và nước ngoài cho phát triển hạ tầng giao thông đạt 327.110 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, theo tính toán quy hoạch về nhu cầu đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam thực hiện đến giai đoạn 2030 là rất lớn, trong khi nguồn lực cân đối từ ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn 2020 chỉ khoảng 150 nghìn tỷ thiếu rất nhiều không đáp ứng được nhu cầu.
Chính vì vậy vấn đề huy động các nguồn lực ngoài nhà nước với nhiều hình thức trên cơ sở tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đang là giải pháp duy nhất được Chính phủ quan tâm trong giai đoạn tới.
Theo Thứ trưởng Hiếu, việc thực thi các chính sách trong tìm kiếm và triển khai các dự án PPP ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng của nhà đầu tư.