Nền kinh tế toàn cầu hiện đang chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi tình trạng căng thẳng xuất hiện ở nhiều khu vực trên thế giới, làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế và gây ra tình trạng bất ổn. Bởi vậy, theo Bloomberg, đà tăng trưởng của phần lớn các nền kinh tế trên thế giới được dự đoán sẽ chậm hơn trong vòng nửa thập kỷ tới.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm, tạo động lực khiêm tốn đối với đà tăng trưởng GDP toàn cầu trong ngắn hạn. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), được Bloomberg dẫn lại, đóng góp cho đà tăng trưởng GDP toàn cầu của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm từ 32,7% trong giai đoạn 2018-2019 xuống còn 28,3% trong năm 2024 – giảm tới 4,4%.
Đà tăng trưởng toàn cầu suy yếu – được dự báo sẽ giảm xuống 3% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – sẽ ảnh hưởng tới 90% các nền kinh tế trên thế giới; theo dữ liệu mà IMF mới công bố.
Trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy yếu như hiện nay, Bloomberg đã phân tích dữ liệu mà IMF công bố để đưa ra top 20 nền kinh tế hàng đầu sẽ trở thành “cỗ máy” tạo đà tăng trưởng GDP của thế giới, trong đó có Việt Nam nằm ở nhóm dưới, bên cạnh các nước như Malaysia, Thái Lan, Canada…
Nền kinh tế Mỹ, dù được dự báo sẽ đóng góp một phần không nhỏ cho đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn sẽ rơi xuống vị trí thứ 3, xếp sau Ấn Độ. Đóng góp cho đà tăng trưởng toàn cầu của nền kinh tế Mỹ dự báo sẽ giảm từ mức 13,8% xuống còn 9,2% vào năm 2024; trong khi đóng góp của Ấn Độ được dự báo tăng lên 15,5% và vượt qua Mỹ trong giai đoạn 5 năm.
Indonesia vẫn sẽ duy trì vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng, nhờ vào nền kinh tế được dự báo đà tăng trưởng đạt 3,7% vào năm 2024, chỉ giảm chút ít so với mức 3,9% trong năm 2019.
Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) trong khi đó phải chứng kiến đà tăng trưởng suy giảm mạnh do vấn đề Brexit, tụt từ vị trí thứ 9 năm 2019 xuống vị trí thứ 13 trong năm 2024.
Và dù mức đóng góp cho đà tăng trưởng GDP của nước Nga hiện tại chỉ ở mức 2%, nhưng con số này được dự báo sẽ duy trì ổn định trong vòng 5 năm tới, giúp Nga thay thế vị trí thứ 5 của Nhật Bản trong bảng xếp hạng.
Nhật Bản sẽ tụt xuống vị trí thứ 9 vào năm 2024. Nền kinh tế Brazil được dự báo sẽ tăng từ hạng 11 lên hạng 6. Mức đóng góp đà tăng trưởng GDP toàn cầu của Đức được dự báo sẽ duy trì ở mức 1,6%, đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng.
IMF nói rằng, những “cỗ máy” tạo đà tăng trưởng nằm trong số 20 nền kinh tế hàng đầu trong giai đoạn 5 năm tới bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Pakistan, và Arab Saudi; trong khi Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada và Việt Nam rời khỏi top này vào năm 2024./.