|
Việt Nam được đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á (ảnh: We25) |
Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) được tính dựa trên 4 chỉ số thành phần: Chỉ số hài lòng với cuộc sống (dựa trên dữ liệu thu thập từ Gallup Poll); Tuổi thọ trung bình; Bất bình đẳng thu nhập (chêch lệnh trong chất lượng cuộc sống giữa những tầng lớp trong xã hội); Dấu chân sinh thái (ảnh hưởng tới môi trường tính trên đầu người).
Điểm số từ 4 chỉ số thành phần nói trên càng cao thì đất nước càng hạnh phúc.
10 nước có chỉ cố HPI cao nhất thế giới bao gồm Costa Rica, Mexico, Colombia, Vanuatu, Việt Nam, Panama, Nicaragua, Bangladesh, Thái Lan, Ecuador.
Việt Nam cũng là một trong 3 nước nằm trong top 10 có Chỉ số Dấu chân Sinh thái thấp tính theo bình quân đầu người thấp, nằm ở ngưỡng ổn định cho môi trường.
Trong báo cáo HPI của Tổ chức nghiên cứu Kinh tế - Xã hội (New Economics Foundation), Việt Nam có một số thành tựu đáng chú ý. Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tương đương với Gambia, nhưng độ tuổi sống thọ của người Việt Nam cao hơn Gambia 17 năm. Tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay, theo thống kê của Liên Hợp Quốc, là 75,5. Ngoài ra, 98% dân số được phổ cập giáo dục. Về bất bình đẳng thu nhập, Việt Nam còn có điểm số tốt hơn của Costa Rica – quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng.
Báo cáo HPI mô tả Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu trong cuộc chiến chống đói nghèo, khi tỷ lệ dân số ở ngưỡng nghèo đã giảm từ mức 58% ở năm 1993 xuống còn 10,7% vào năm 2010.
Nhưng báo cáo HPI cũng chỉ ra rằng Việt Nam cần phải bảo vệ môi trường trước áp lực phát triển kinh tế. Việc đảm bảo cho môi trường không bị ô nhiễm là thách thức rất lớn đối với Việt Nam khi mà nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thuộc top những nước phát triển nhanh trên thế giới.