|
Bả vai nhân tạo làm bằng vật liệu sinh học và công nghệ in 3D (Ảnh: PGS. TS. Trần Trung Dũng) |
Không còn đau đớn nhờ xương bả vai nhân tạo
PGS. TS. Trần Trung Dũng – giảng viên Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao, Bệnh viện Tâm Anh – cho biết, bé trai 12 tuổi liên tục bị đau âm ỉ vai trái kèm sưng nhẹ vai từ tháng 1 năm nay. Khi đi khám, các bác sĩ phát hiện bé bị u xương vai.
Sau đó, gia đình đã đưa bé đến khám tại Bệnh viện K và được chẩn đoán có khối sưng nề vùng vai trái, ấn đau tại chỗ, hạn chế vận động vai trái do đau. Ngày 14/2, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm sinh thiết phát hiện bé bị u nguyên bào thần kinh loại kém biệt hóa. Hình ảnh trên cộng hưởng từ của bé cho thấy có khối ngấm thuốc mạnh, mất liên tục bỏ xương, xâm lấn phần mềm lân cận với kích thước 5 x 10 cm. Tuy nhiên, bé chưa bị tổn thương di căn xa.
Ngay lập tức bé được chuyển về Khoa Nhi để điều trị hóa chất 4 chu kì. Sau điều trị, khối u của bé co nhỏ, đỡ đau, vận động vai tốt và chuẩn bị phẫu thuật.
Ngày 17/8, bé đã được phẫu thuật. Ca mổ được thực hiện bởi PGS.TS. Trần Trung Dũng cùng ekip các bác sỹ Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao Bệnh viện Tâm Anh và các bác sĩ ở Bệnh viện K. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ xương bả vai và khối u của bé để thay thế bằng xương bả vai nhân tạo được in 3D với vật liệu sinh học PEEK.
|
Khối u và xương bả vai nhân tạo của bé trai nhìn từ phía sau (Ảnh: PGS. TS. Trần Trung Dũng)
|
Sau mổ 1 ngày, bệnh nhi đã có thể ngồi dậy, vận động vai thụ động nhẹ nhàng theo hướng dẫn. Những ngày sau đó bệnh nhi không có biểu hiện nhiễm trùng, biên độ vận động cải thiện.
PGS.TS. Trần Trung Dũng cho hay: Đây là ca phẫu thuật cắt đoạn xương có u và thay thế bằng xương nhân tạo cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam và là ca thay toàn bộ xương bả vai bằng vật liệu sinh học PEEK thứ 2 trên thế giới. Sau phẫu thuật thay xương bả vai, bệnh nhi có kết quả bước đầu khả quan với các yêu cầu về giải phẫu và thẩm mỹ cũng như các chức năng vận động.
GS. Trịnh Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu Vật liệu Y sinh, Công ty cổ phần Công nghệ Y sinh Ngọc Bảo - cho biết: “Vật liệu sinh học PEEK đã được sử dụng từ những năm cuối của thập kỷ 70 và đến năm 1997 thì chính thức được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép sử dụng như 1 vật liệu sinh học sử dụng trong y học với hàng loạt các ứng dụng như nẹp, vít, đoạn xương nhân tạo, khớp nhân tạo, mảnh vá hộp sọ, đốt sống nhân tạo,...với những ưu điểm như độ cứng, độ đàn hồi, trọng lượng tương tự như xương người; có nhiệt độ nóng chảy vào khoảng 400 độ C nên khả năng in 3D đạt hiệu quả cao.”
Tại Việt Nam, năm 2012 vật liệu PEEK đã chính thức được Bộ Y tế cấp phép sử dụng như 1 vật liệu dùng trong lĩnh vực y sinh. Công nghệ in 3D với vật liệu PEEK đã được Viện thực hiện với nhiều sản phẩm khác nhau như mảnh ghép hộp sọ, lồi cầu xương hàm dưới, các mảnh ghép cho vùng hàm mặt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Công ty thực hiện 1 sản phẩm giải phẫu hoàn chỉnh với độ phức tạp của thiết kế và yêu cầu của độ chính xác cao hơn rất nhiều. Việt Nam đã làm chủ công nghệ in 3D để tạo ra các sản phẩm từ vật liệu sinh học phục vụ cho phẫu thuật tạo hình xương khớp.
|
Ca mổ thay xương bả vai đã diễn ra thành công (Ảnh: PGS. TS. Trần Trung Dũng)
|
Ung thư xương bả vai cực kỳ hiếm gặp
Sau Trung Quốc, Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới thực thành công ca thay xương bả vai thứ 2 trên thế giới bằng vật liệu sinh học PEEK và công nghệ in 3D. Với việc phẫu thuật thay xương bả vai toàn bộ bằng vật liệu PEEK với công nghệ in 3D, cậu bé này đã trở thành bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam thực hiện phẫu thuật thay xương bả vai nhân tạo.
Theo các chuyên gia y tế, ung thư xương bả vai khá hiếm gặp nhưng lại là thách thức rất lớn với các bác sỹ trong điều trị, không chỉ đơn thuần là điều trị ung thư cắt bỏ khối u triệt để mà còn phục hồi hoặc thay thế các phần chi thể đảm bảo chức năng vô cùng quan trọng của xương bả vai trong vận động khớp vai, thẩm mỹ cơ thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sự hiếm gặp của tổn thương u xương bả vai kèm theo cấu trúc phức tạp về giải phẫu và chức năng làm cho việc cân nhắc tạo hình lại xương bả vai cho các bệnh nhân ung thư đôi khi đi vào bế tắc và không có giải pháp.
Trên thế giới, việc tạo hình xương bả vai được thực hiện từ khá lâu và một điểm thú vị là các thiết kế cũng khá đa dạng, điều đó phản ánh thực tế là không có thiết kế nào chuẩn mà tùy biến theo các tính toán của các bác sỹ.
Tại châu Á, có khoảng hơn 10 ca được thay thế xương bả vai nhân tạo sau mổ cắt bỏ xương bả vai do ung thư trong đó có 1 ca được thực hiện thành công tại Việt nam đầu năm 2020. Sự khó khăn cho phẫu thuật là xương bả vai nhân tạo không sẵn có là do cấu trúc giải phẫu mỗi người khác nhau. Vì vậy, việc phẫu thuật phục hồi lại đòi hỏi việc sản xuất riêng theo thông số của bệnh nhân mà khả năng ở Việt Nam trước đây chưa thể đáp ứng ngay được.