|
Ông Hoàng Công Tuấn (trái), Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS) và ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) tại Talkshow Phố Tài chính (Ảnh chụp màn hình) |
Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh khiến nhiều nhà đầu tư trở nên lo ngại. Song, theo giới chuyên gia, nhờ những phiên điều chỉnh như vậy mà thị trường đang ở mức giá hấp dẫn, tạo đà bứt phá trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá cao quá trình thanh lọc thị trường của cơ quan quản lý giúp thị trường minh bạch hơn, tiệm cận với việc nâng hạng thị trường, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ.
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính tối ngày 9/5, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS), đánh giá kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang là bệ đỡ rất tốt cho thị trường chứng khoán.
Theo góc nhìn của ông Tuấn, đối với môi trường đầu tư có nhiều nhà đầu tư F0, thị trường chứng khoán sẽ khó tránh khỏi những nhịp dao động do yếu tố tâm lý. Dù vậy, vị chuyên gia của MBS vẫn tỏ ra lạc quan bởi môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang rất thuận lợi.
“Chúng ta đã phục hồi một cách mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỉ giá hối đoái và cán cân thanh toán hiện nay đều đang ở ngưỡng tương đối tích cực”, ông Tuấn nói, đồng thời bày tỏ một chút quan ngại về áp lực lạm phát đến từ môi trường kinh tế vĩ mô trên thế giới.
Trong hai năm 2020 và 2021, các ngân hàng trung ương toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã áp dụng chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng” với mức lãi suất “siêu thấp”. Do đó, ông Tuấn đánh giá việc tăng lãi suất hiện tại là quá trình bình thường hóa, chuyển từ trạng thái nới lỏng sang bình thường.
Ông Tuấn cũng cho rằng, tại thời điểm này Việt Nam không chịu quá nhiều áp lực từ việc tăng lãi suất. Đây có thể là câu chuyện của thời điểm cuối năm 2022.
Đồng quan điểm, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam đang ở trạng thái tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, với chính sách linh hoạt và phù hợp để hỗ trợ tốt cho thị trường.
Về yếu tố góc độ thị trường, ông Trần Thăng Long cho biết, định giá P/E của VN-Index đang ở mức 14,9 lần, thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình 5 năm.
Theo thống kê của BSC, tính đến hết tháng 4/2022, có khoảng 900 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với tổng quy mô lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước. Ông Long cho rằng, giai đoạn biến động vừa qua là sự cần thiết cho thị trường để đảm bảo cho đà tăng trưởng dài hạn.
Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, nhiều người lo ngại rằng dòng tiền ngoại sẽ thu hẹp ở Việt Nam trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới chịu nhiều yếu tố tiêu cực (như việc tăng lãi suất, mức lạm phát, giá dầu tăng…) chỉ đúng trên góc độ lý thuyết.
Trên thực tế, khối ngoại đã hoạt động tích cực trở lại và mua ròng đáng kể trong khoảng 3 tuần trở lại đây. “Có thể thấy là khi cổ phiếu ở mức giá hấp dẫn và đáng để đầu tư dài hạn thì các nhà đầu tư bên ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức sẽ có xu hướng đầu tư tại thời điểm mà các nhà đầu tư cá nhân bi quan” ông Tuấn nói.
Trên phương diện là nhà đầu tư và cũng là một chuyên gia chuyên tư vấn cho các quỹ đầu tư, ông Hoàng Công Tuấn nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về mức độ vững mạnh của thị trường. Do đó, ông Tuấn cho rằng động thái thanh lọc thị trường của các cơ quan quản lý thời gian vừa qua là điều cần thiết để đón thêm dòng vốn đổ vào thị trường.
Trong khi đó, ông Trần Thăng Long cho biết đa số các nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá Việt Nam là một trong những khu vực đáng để đầu tư, không chỉ trong 1-2 năm mà có thể kéo dài trong cả thập kỷ tới.
Ông Long cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài quyết định mua vào trong bối cảnh thị trường giảm điểm thể hiện sự tự tin của họ vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán./.