Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi giải pháp bảo vệ bản quyền số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22/11, hội nghị trao đổi hợp tác bản quyền trong lĩnh vực media do Văn phòng đại diện Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc tại Việt Nam (KCOPA) tổ chức đã diễn ra Hà Nội.

Sự kiện thu hút đông đảo đại diện từ các tổ chức truyền thông lớn của Việt Nam và Hàn Quốc, tạo cơ hội để trao đổi và thảo luận về các giải pháp bảo vệ bản quyền số.

Phát biểu tại hội nghị, ông Park Won Ju, Trưởng đại diện KCOPA tại Việt Nam, chia sẻ về tình trạng vi phạm bản quyền kỹ thuật số ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 3 Đông Nam Á và thứ 9 toàn cầu về vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người truy cập các trang web lậu.

Việt Nam hiện có hơn 200 trang web phim lậu đạt hơn 100 triệu lượt xem mỗi tháng. Riêng top 10 chiếm 55 triệu lượt xem/tháng. Bên cạnh đó còn có khoảng 70 trang web bóng đá bất hợp pháp ghi nhận 1,5 tỷ lượt xem từ năm 2022 đến 2023.

Thiệt hại kinh tế do vi phạm bản quyền tại Việt Nam ước tính lên đến 350 triệu USD năm 2022.

Ảnh 1.jpg
Ông Park Won Ju, Trưởng đại diện KCOPA tại Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị.

Tại hội nghị, bà Phạm Thanh Thủy, đại diện của K+, đã chỉ ra 5 nhóm vi phạm bản quyền chính gồm: Báo điện tử; mạng xã hội; website; ứng dụng; sàn giao dịch điện tử và tin nhắn.

Bà Thủy cũng nhấn mạnh rằng hơn 80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số, trong đó các biện pháp như kỹ thuật, pháp lý, và xu hướng chặn truy cập đã được triển khai mạnh mẽ.

K+ đã chặn gần 10.000 domain vi phạm và thực hiện chặn truy cập trung bình 30 phút/lần để hạn chế phát tán nội dung lậu.

Ảnh 3.jpg
Bà Phạm Thanh Thủy, đại diện của K+, chia sẻ tại hội nghị.

Ông Hoàng Đình Chung, đại diện Trung tâm Bản quyền số (DCC), đưa ra các giải pháp công nghệ tiên tiến như: Digital Rights Management (DRM), Social Listening, Video/Audio Matching, Media Studio, Face/Violence/Nudity Detection.

Những công nghệ này không chỉ giúp bảo vệ quyền tác giả mà còn theo dõi và phát hiện nhanh chóng các hành vi vi phạm.

Ảnh 4.jpg
Ông Hoàng Đình Chung, đại diện Trung tâm Bản quyền số (DCC) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, phát biểu.

Đại diện từ các đơn vị media Hàn Quốc như CJ ENM, JTBC, KBS, SBS, và Studio S cũng đã chia sẻ kinh nghiệm xử lý vi phạm bản quyền.

Ông Lee Hong Gyu (CJ ENM) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ pháp lý địa phương để xử lý vấn đề bản quyền tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác sâu hơn về nền tảng và nội dung.

Bà Kim Jun Hee (JTBC) và các đại diện khác đều bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam để giải quyết thực trạng vi phạm bản quyền.

Ảnh 5.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Hội nghị lần này là cơ hội quan trọng để hai bên không chỉ trao đổi về vấn đề bản quyền mà còn xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài trong ngành truyền thông, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Hội nghị cũng đề cập nhiều giải pháp thiết thực, hứa hẹn mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn giữa các tổ chức truyền thông Việt Nam và Hàn Quốc, là cơ hội để các bên chia sẻ thực trạng và kinh nghiệm để cùng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành truyền thông.