Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 1/6 dẫn tờ Le Figaro Pháp ngày 31/5 đăng bài viết "Washington gấp gáp quay trở lại châu Á" cho rằng, an ninh toàn cầu đang đối mặt với cái gọi là "nghịch lý to lớn.
Le Figaro cho rằng các mối đe dọa chủ yếu của hòa bình thế giới hoàn toàn không phải đến từ khu vực bất ổn bị các thế lực cực đoan Hồi giáo hoành hành (phạm vi liên quan: phía tây từ Morocco, phía đông đến Pakistan) - nơi mà các nhà địa-chính trị gọi là "vòng cung khủng hoảng", mà đến từ khu vực Đông Á - một nơi hiện nay rất hòa bình, kinh tế tăng trưởng nhanh chóng.
Theo bài báo, tấn công khủng bố và nội chiến khiến cho chúng ta thường coi nhẹ khu vực Đông Á – nơi có "bầu trời u ám", nhưng chiến tranh thế giới tiếp theo rất có thể nổ ra từ khu vực luôn là công xưởng của thế giới trong hơn 30 năm qua này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm đến Việt Nam và Nhật Bản, ông biết rõ điều đã nói trên. Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Mạng Tin tức Tham khảo Trung Quốc tranh thủ so sánh nói rằng cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ.
Trong khi đó, báo Pháp và báo Trung Quốc thừa nhận rằng hiện nay những ký ức về đau thương từ cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam trước đây không còn nhiều. Việt Nam biết rõ, Mỹ không thể tiếp tục tiến hành chiến tranh đối với mình, trong khi đó, câu hỏi liệu Trung Quốc có tiếp tục xâm lấn đối với việt Nam hay không thì lại không có bất cứ sự bảo đảm nào.
Le Figaro viết: Sự lo ngại về đối thủ xưa nay ở bên cạnh sẽ vượt xa một quốc gia khác đến từ một châu lục khác. Mặc dù hành động xâm lược của quốc gia đến từ châu lục khác đã gây ra thương vong lớn hơn. Trong địa-chính trị, ký ức thù hận và sợ hãi hoàn toàn không chỉ có nguồn gốc từ số người thiệt mạng trong chiến tranh.
Ông Barack Obama đã đạt được thành công trong 3 vấn đề lớn. Trước hết, ông đã thúc đẩy thành công hòa giải giữa Bắc Mỹ với châu Mỹ Latinh. Ông đã giải quyết vấn đề hạt nhân Iran và đưa Iran quay trở lại với cuộc chơi cờ trong quan hệ quốc tế. Ông đưa Mỹ quay trở lại thành cường quốc có ý nghĩa biểu tượng trên sân khấu châu Á.
Ông Barack Obama biết rõ phải áp dụng chính sách kết hợp tôn trọng và cứng rắn đối với Trung Quốc. Trong vấn đề đảo Senkaku, ông đã áp dụng cách tiếp cận “bảo vệ” đối với đồng minh Nhật Bản, đồng thời từ chối tỏ thái độ về vấn đề chủ quyền khu vực này, chỉ nhấn mạnh vấn đề này do Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague giải quyết.
Đối mặt với Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, các nước châu Á hiện nay đều có nguyện vọng hopự tác với Mỹ. Washington đã trở thành người đi đầu của cụm từ mà báo Tin Tức Tham khảo đã cố gắng gọi là "liên minh phòng thủ chống Trung Quốc không chính thức".
Theo trang báo của Trung Quốc, thành viên của liên minh này bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore, Philippines, Australia và New Zealand (phải nhắc lại rằng Việt Nam có chính sách 3 không rất rõ ràng, Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác, chính sách đối ngoại của Việt Nam biểu thị tâm nguyện muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới - PV).
Theo báo Pháp, Việt Nam là trung tâm trong chính sách hướng Đông do Mỹ xây dựng. Việt Nam đã áp dụng một chiến lược linh hoạt. Về ngoại giao, Việt Nam vận dụng tốt hợp tác với Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, báo Trung Quốc cố gắng nhấn mạnh rằng "Do Nga hiện là "bạn" của Trung Quốc, Việt Nam hiện "đang tận dụng Nga để xoa dịu thái độ của Trung Quốc. Trong khi đó, Hải quân Việt Nam đã tham gia diễn tập quân sự liên hợp với Hải quân Mỹ".
Cuối cùng, khi nói về khía cạnh quân sự, tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc cho rằng những năm gần đây Việt Nam cũng tìm cách phát triển sức mạnh của mình, báo này nói: "Trong giai đoạn 2011 - 2015, nhập khẩu vũ khí của Việt Nam đã tăng 700%".
Nội dung bài viết trên Tin tức Tham khảo Trung Quốc và báo Pháp Le Figaro chỉ có tính chất tham khảo.