Việt Nam bắt kịp hay lỡ chuyến tàu 4.0?

Có nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có trước làn sóng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và tin tưởng Việt Nam sẽ bắt kịp làn sóng này; nhưng cũng có ý kiến cho rằng, 85-95% Việt Nam sẽ lỡ chuyến tàu 4.0 khi chúng ta còn nhiều rào cản lớn.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT): Mạnh nhất là nhân lực số, yếu nhất là thể chế

Việt Nam bắt kịp hay lỡ chuyến tàu 4.0? - Ảnh 1

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực.

Có nhiều chuyên gia cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đáng lo hơn là cơ hội. Thực tế, có nhiều người suy nghĩ CMCN 4.0 có phải phong trào không và tại sao ở Việt Nam lại nói nhiều hơn các nước khác? Cá nhân tôi nghĩ rằng, CMCN 4.0 là một cơ hội tuyệt vời cho chúng ta. Cái sợ không phải là sợ bao nhiêu người thất nghiệp, cái tôi lo là chúng ta lại bị chậm chân, lỡ mất thời cơ.

Tôi lo lắng là nói đến 4.0 mà tư duy vẫn 1.0, 2.0, 3.0 thì cũng sẽ không thể làm được 4.0. ở đây tôi muốn nói đến tư duy lãnh đạo, quản lý còn rất hạn chế. Tôi rất khuyến khích nói đến 4.0, phải làm sao để đừng mất cơ hội bởi tôi nhận thấy dân mình còn rất khổ. Ngoài cái dám dấn thân, chúng tôi muốn làm sao để thế hệ trẻ Việt Nam phải có khát vọng. Tôi đặt nhiều hy vọng vào thế hệ trẻ và đội ngũ doanh nhân, nhất là lực lượng doanh nghiệp tư nhân.Khi xét đến mạnh – yếu của việt Nam trong CMCN 4.0, mạnh nhất là nhân lực số, yếu nhất chính là thể chế, vì vậy phải chuyển biến dần.

Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT: Chúng ta vẫn hô hào về chủ trương chứ chưa đi vào hành động cụ thể

Việt Nam bắt kịp hay lỡ chuyến tàu 4.0? - Ảnh 2

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng.

Để thúc đẩy CMCN 4.0 tại Việt Nam, với vai trò nhà quản lý, Chính phủ, Bộ, ngành phải vào cuộc. Chính phủ đã họp nhiều nhưng tôi có cảm giác chưa xuống đến dưới nhiều. Tôi cảm giác chúng ta vẫn hô hào về chủ trương chứ chưa đi vào hành động cụ thể. Chúng ta nói nhiều đến CMCN 4.0 trong giao thông, du lịch, nông nghiệp… để kết nối các đối tượng với nhau. Thế nhưng, khi vào cuộc với các quy định, hướng dẫn thì từng Bộ, ngành lại chưa có.

Vì vậy, chúng ta phải làm sao có được chương trình chung về hành động quốc gia. Ví dụ, trong nông nghiệp phải có nhiều ứng dụng về trồng cây, thực phẩm... Các doanh nghiệp có thể đưa vào ứng dụng miễn phí với tính năng hạn chế, muốn dùng nhiều hơn phải bỏ tiền. Hiện chưa thấy vai trò của nhà quản lý kết nối các nhà với nhau. Cũng đã đến lúc, truyền thông cần kiến nghị ngược lại với Chính phủ, Bộ, ngành về việc làm cách nào để đưa CMCN 4.0 vào thực tế.

Ông Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng: Cơ hội của Việt Nam vẫn rộng mở

Việt Nam bắt kịp hay lỡ chuyến tàu 4.0? - Ảnh 3

Phó Tư lệnh Tống Viết Trung.

Với mục tiêu tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, có 3 nhóm việc mà Việt Nam cần làm, hoặc đã làm nhưng cần làm nhanh hơn và tốt hơn.

Thứ nhất, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Hạ tầng cứng phải đảm bảo mọi người, mọi thiết bị, cảm biến đều được kết nối mọi lúc, mọi nơi, an toàn, với tốc độ cao, theo thời gian thực. Hạ tầng mềm bao gồm những vấn đề như các quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định pháp lý về giao dịch số, chữ ký số, thanh toán điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu, các dịch vụ công nghệ tài chính, sở hữu trí tuệ, các chuẩn mực số cho công dân và chính phủ điện tử vận hành.

Thứ hai, phải khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẽ là những người hiện thực hóa nền kinh tế dựa trên công nghệ số.

Thứ ba, phải hạn chế những mặt trái của cuộc cách mạng số như việc tự động hóa và thay đổi mô hình kinh doanh gây ra xáo trộn, thay thế lao động quy mô lớn; đồng thời đảm bảo đời sống an sinh xã hội, an ninh thông tin và an toàn không gian mạng…

TS Kinh tế Lê Đăng Doanh: Hãy sáng tạo hơn chứ không phải đợi người máy nghiền nát

Việt Nam bắt kịp hay lỡ chuyến tàu 4.0? - Ảnh 4

TS. Lê Đăng Doanh.

CMCN 4.0 có đặc điểm lớn nhất là sự kết nối, sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cá nhân với cơ quan, doanh nghiệp, với ngân hàng, hình thành chuỗi giá trị. Hiện nay, nhờ sử dụng công nghệ camera mà có thể phát hiện các hoạt động phạm pháp; nhờ có kết nối mạng mà một cửa hàng bán phở hay bún chả có thể bán cho nhiều người ở khắp nơi. Công nghệ 4.0 giúp kết nối, tăng năng suất lao cộng, thay đổi phương thức kết nối giữa người dân với chính quyền.

Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra thách thức khi mà có tới 86% công nhân may mặc, da giày có thể bị thay thế bởi robot và người lao động có thể mất việc làm. Tuy nhiên, các giáo sư ở Đức lại cho rằng, nếu vận dụng sáng tạo và linh hoạt CMCN 4.0, con người sẽ không mất việc mà sử dụng robot để tăng năng suất lao động...

Chúng ta đang sống trong một thế giới rất nhanh. Chúng ta phải chấp nhận cái mới, ủng hộ cái mới, ủng hộ sáng kiến. Chúng ta phải khuyến khích thay đổi giáo dục, thay vì hình thức “gọi dạ bảo vâng”. Hãy sẵn sàng làm công việc mới, sáng tạo hơn chứ không phải đợi người máy nghiền nát như trong những bộ phim.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: CMCN 4.0 phải bắt đầu từ nền tảng CNTT

Việt Nam bắt kịp hay lỡ chuyến tàu 4.0? - Ảnh 5

Viện trưởng Trần Đình Thiên.

Nếu 3 cuộc cách mạng trước là theo logic tuyến tính, thì CMCN 4.0 lại không như vậy mà nó tác động nhanh, mạnh tới toàn bộ nền kinh tế, tất cả các quốc gia và Việt Nam sẽ chịu tác động rất ghê gớm. Nếu các cuộc cách mạng trước ở Việt Nam như 1.0, 2.0, 3.0 chưa đạt tới ngưỡng cao, thì CMCN 4.0 lại tạo ra những cơ hội rất lớn, nhưng thách thức cũng rất lớn. Chúng tôi đã đặt vấn đề phải có lộ trình ra sao với CMCN 4.0. Nhiều chuyên gia tiên đoán, khả năng Việt Nam bắt kịp chuyến tàu CMCN 4.0 chỉ là 5-7%, còn lại 85-95% đều lỡ chuyến tàu vì không có khả năng, chi phí chuyển đổi quá cao. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ phải lập ra đội “đặc nhiệm” để nghiên cứu.

Tôi mong rằng truyền thông hãy tạo ra áp lực, áp lực càng lớn càng tốt để xã hội biết đến. Từ góc độ kinh tế, tôi cho rằng Việt Nam bắt đầu tạo nền tảng cho sự tiếp cận ấy bằng CNTT và CNTT phải là hạ tầng của hạ tầng. Trên nền đó, Chính phủ sẽ tiếp cận các sáng kiến, biến thành lợi ích kinh tế thật sự. Hiện nay Chính phủ, cơ quan nhà nước, những người quyết định về chính sách cho CMCN 4.0 đã bắt đầu ý thức rất rõ về câu chuyện phải bắt đầu từ nền tảng CNTT.

Ông Vũ Thành Nam, Trưởng Nhóm nghiên cứu Bigdata của CMC: Trong CMCN 4.0, ai có dữ liệu, thông tin thì người đó là vua

Việt Nam bắt kịp hay lỡ chuyến tàu 4.0? - Ảnh 6

Trưởng nhóm Vũ Thành Nam.

Từ nhiều năm trước CMC đã định hướng đi theo tương lai số, bởi chúng ta có trụ cột CNTT liên quan đến chuyển đổi số. Với định hướng này, CMC đã đầu tư nguồn lực của mình để tiếp cận được với các trình độ công nghệ tiên tiến và áp dụng những thành quả đó đem lại lợi ích cho khách hàng. Tuy nhiên, CMC nhận thấy ở Việt Nam hiện vẫn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Trước hết, đó là khoảng cách giữa ý tưởng nghiên cứu với ứng dụng thực tế còn khá xa. Khó khăn, thách thức lớn thứ hai của các doanh nghiệp công nghệ Việt trong cuộc CMCN 4.0, chính là việc thiếu hụt thông tin, dữ liệu. Nếu như trong thế kỷ XX, ai có dầu lửa thì người đó làm vua. Còn trong cuộc CMCN 4.0, ai có dữ liệu, thông tin thì người đó là vua. Nhiều nước trên thế giới đã hướng đến nền tảng dữ liệu mở, tức là phải chia sẻ dữ liệu thì mới có thể có được kết quả. Hiện nay, các hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới như Google, Facebook… khi có công nghệ mới đều đã cung cấp để cộng đồng có thể sử dụng. Việc này vừa vì cộng đồng và cũng vì chính họ. Vì vậy, phải làm thế nào để chúng ta có thông tin và học được từ đó. Chẳng hạn, Chính phủ có thể cung cấp các dữ liệu về xuất nhập khẩu, tình hình thị trường, các doanh nghiệp có thể dựa trên dữ liệu đó để phân tích xem chiến lược của mình như thế nào là tốt, có thể dự báo được thị trường, đưa ra những hoạt động tối ưu hơn.

Theo ICTNews

http://ictnews.vn/cntt/viet-nam-bat-kip-hay-lo-chuyen-tau-4-0-164544.ict