Tại Diễn đàn Đối tác số Việt Nam - Ấn Độ 2022 với chủ đề “Tăng cường kết nối hướng tới Đối tác số” trong chuỗi sự kiện Tuần Lễ Quốc tế số 2022, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin từ năm 2016, Ấn Độ và Việt Nam đã nâng quan hệ hợp tác lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Và năm nay, 2 nước kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa 2 nước thực ra đã được thiết lập, xây dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ, có lịch sử lâu đời.
Hiện 2 nước đang cùng xây dựng nhiều chương trình hợp tác để khai thác tối ưu tiềm năng và mở rộng hơn nữa trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hợp tác trong lĩnh vực CNTT- TT, công nghệ số giữa 2 nước hiện vẫn rất khiêm tốn.
Tại cuộc gặp tháng 12/2021, Bộ trưởng của 2 nước đã trao đổi, thảo luận và thống nhất cần phải nỗ lực nhiều hơn để đưa quan hệ 2 nước phát triển tương xứng với tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực Công nghệ số, hướng tới mục tiêu hợp tác toàn diện, xây dựng quan hệ đối tác số giữa 2 nước. Cụ thể, các cơ quan chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước của 2 nước cần tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, để cùng hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy phát triển công nghệ số, đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước, kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong cả lĩnh vực phần cứng, phần mềm,…
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế bày tỏ mong muốn Diễn đàn đối tác số Việt Nam - Ấn Độ sẽ góp phần mở ra 1 chương mới trong quan hệ giữa 2 nước và đây cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 bên.
Cùng mong muốn như ông Triệu Minh Long, ông Subhash P. Gupta – Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ góc nhìn rằng cả 2 nước đang nỗ lực phát triển công nghệ để xúc tiến tăng trưởng kinh tế và góp phần mạnh mẽ phát triển đất nước. Phó Đại sứ Ấn Độ cũng cho biết để thúc đẩy phát triển công nghệ, Ấn Độ đã và đang tập trung vào 9 trụ cột, trong đó có Internet tốc độ cao, thúc đẩy dịch vụ công triên nền tảng điện tử, tăng cường triển khai hoạt động về CNTT nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân,…
Nêu việc Việt Nam có chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Ấn Độ có chương trình “Ấn Độ số”, ông P. Gupta đánh giá CNTT- TT là thành tố quan trọng trong sự hợp tác giữa 2 nước, góp phần giúp mang lại sự thịnh vượng cho người dân 2 nước. Để kết hợp tầm nhìn về Xã hội số của Việt Nam và chương trình Ấn Độ Số của quê hương ông P. Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng cần tăng cường và tạo thuận lợi hơn nữa về môi trường đầu tư và ứng dụng công nghệ mới.
Các đại biểu tại diễn đàn cho rằng, Việt Nam đang nổi lên là một trong những trung tâm Công nghệ số và CNTT-TT trong khu vực ASEAN. Theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP và khoảng 30% GDP vào năm 2030. Cũng theo Chiến lược đề ra, Việt Nam đang tập trung phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số và thành lập các Doanh nghiệp số Việt Nam.
Hướng tới mục tiêu này, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp phát triển khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến và thương mại điện tử thông qua các nền tảng nội địa, phát triển công nghệ điện toán đám mây, đảm bảo an toàn và an ninh mạng, nâng cao năng lực về các công nghệ mới nổi như AI, IoT, Big Data, Blockchain... và hướng đến triển khai thử nghiệm 5 Đại học số giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực công nghệ chuyển đổi số.
Tương tự, theo Sứ mệnh Ấn Độ số, Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu biến Ấn Độ thành một nền kinh tế và xã hội được thúc đẩy bởi kỹ thuật số thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như một tiện ích cốt lõi cho mọi công dân, thực hiện công tác quản trị và dịch vụ theo yêu cầu, và nâng cao quyền công dân thông qua kĩ thuật số. Ấn Độ hiện đang là một trung tâm năng lực kỹ thuật số với khả năng cạnh tranh cao được công nhận trên toàn thế giới trong việc đào tạo và cung cấp các dịch vụ CNTT.
Trong những năm qua, lĩnh vực ICT số là một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Nhiều cơ sở đào tạo, công ty CNTT-TT Ấn Độ đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Các cơ sở đào tạo, công ty này góp phần nâng cao năng lực CNTT-TT của Việt Nam thông qua đào tạo CNTT, kỹ năng số và cung cấp các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT, chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, viễn thông, công nghệ du lịch và an ninh mạng./.