Quy định khó
Tại cuộc họp báo mới diễn ra tại Hà Nội, phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN Vũ Xuân Bằng cho biết bảo hiểm không yêu cầu photo bất kỳ giấy tờ gì khi người dân đến kê khai và tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Nhưng theo hướng dẫn mới nhất của Bảo hiểm xã hội VN do tổng giám đốc cơ quan này là bà Nguyễn Thị Minh ký, trưởng thôn, bản, tổ dân phố phải căn cứ sổ hộ khẩu / sổ tạm trú và các loại giấy tờ để đối chiếu thông tin người dân kê khai.
Việc đối chiếu theo hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm là yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ như giấy tạm vắng, giấy ly hôn... để chứng minh số thành viên trong hộ gia đình.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Tiên - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi đi giám sát thực hiện Luật bảo hiểm y tế tại một số địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Bình Thuận, đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy các địa phương chưa vào cuộc, giao việc cho đại lý bán bảo hiểm y tế là coi như xong việc, chưa kể Bảo hiểm xã hội VN lại đưa ra một số hướng dẫn không thuận với người tham gia bảo hiểm, không đúng với quy định trong luật.
Còn theo ông Lê Văn Khảm - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, qua kiểm tra tại 10 địa phương gần đây, các địa phương đều mắc lỗi là yêu cầu nhiều loại giấy tờ khiến người dân gặp khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm.
Lỗi tại ai?
Lộ trình của ngành y tế hoạch định cuối năm 2015 sẽ đưa thêm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp trực và thêm 2/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế vào viện phí.
Như vậy dự kiến từ cuối năm 2015, viện phí sẽ thu 5/7 cấu phần (đến năm 2018 sẽ tính đúng tính đủ viện phí với 7/7 cấu phần). Viện phí tăng thì người có bảo hiểm y tế sẽ đỡ lo, nhưng bốn tháng đầu năm 2015 số người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện sụt giảm đến 15%, tương đương khoảng 1,2 triệu người.
Trong khi đây là nhóm vận động khó nhất, dễ bỏ bảo hiểm y tế nhất vì lý do tài chính, nhất là từ ngày 1/1/2015 thực hiện theo quy định mới là bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện theo hình thức hộ gia đình.
Ông Tiên cho rằng quy định bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là hình thức khá ưu việt, nhờ gia giảm chi phí theo số người tham gia nên gia đình có năm người thì thực tế chỉ cần đóng phí cho ba người là cả năm người đã có thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên lý thuyết thì có vẻ hợp lý, như người cận nghèo được ngân sách hỗ trợ tới 70% mệnh giá thẻ, ngoài ra địa phương sẽ hỗ trợ thêm, nhưng thực tế mới có 1/3 trong số 6 triệu người cận nghèo được nhận hỗ trợ này, vì nhiều địa phương rất chậm trễ xây dựng phương án hỗ trợ người cận nghèo tỉnh mình hoặc chỉ hỗ trợ rất ít ỏi, người cận nghèo vẫn phải chi thêm 20% mệnh giá thẻ.
Trong khi một gia đình cận nghèo năm người thì chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cũng gần 1 triệu đồng nên họ e ngại.
Mục tiêu cuối năm 2015 là 75% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, hiện con số này đang ở mức trên 71%, cần phát triển thêm gần 4% dân số, tương đương trên 3 triệu người.
Từ nay đến cuối năm cởi mở về chính sách và vận động như thế nào để người dân tin cậy, quay lại với bảo hiểm? Đó là bài toán không dễ, nhất là khi phần lớn đối tượng cần phát triển hiện nay là người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, đang gặp khó vì bắt buộc tham gia theo hộ gia đình.
Theo Báo Tuổi Trẻ