Nguồn vốn tăng thêm được dùng để đầu tư trụ sở, công nghệ, mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh tín dụng…
Dự kiến, nếu được Đại hội cổ đông thông qua, VIB sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu để chia thưởng cho cổ đông hiện hữu, sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận. Thời điểm hoàn tất việc tăng vốn sẽ trước ngày 31/12/2015.
Thưởng cổ phiếu tỷ lệ 14%
Hiện nay, VIB vẫn nằm trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (dưới 5.000 tỷ đồng). Nhưng 3 năm gần đây, nhà băng này rất khá hạn chế tăng vốn nhanh. Lần tăng vốn gần nhất là hồi tháng 10/2011 với mức tăng thêm khá “khiêm tốn”, chỉ 250 tỷ đồng, lên mức 4.250 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Theo VIB, mức vốn tăng thêm đã đủ đáp ứng nhu cầu vốn của ngân hàng trong giai đoạn trước đây. Còn trong thời gian tới, VIB cần tăng vốn để có thêm nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Do đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) vừa công bố kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu chia thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 14%. Tương ứng, sẽ phát hành thêm 59,5 triệu cổ phiếu, giá trị theo mệnh giá cổ phần là 595 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Mức vốn điều lệ mới sẽ đạt 4.845 tỷ đồng.
Toàn bộ số vốn tăng thêm sẽ được VIB sử dụng để đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ, năng lực quản trị (khoảng 250 tỷ đồng), bổ sung vốn cho vay (300 tỷ đồng), còn lại dành cho hoạt động phát triển thương hiệu, tăng doanh thu… Đại hội cổ đông sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành, số vốn điều lệ tăng thêm nhỏ hoặc lớn hơn, và các sửa đổi khác.
Việc chia cổ phiếu thưởng này sẽ không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông hiện hữu, nhất là các cổ đông lớn, lãnh đạo VIB.
HĐQT cũng cho biết, sau khi tăng vốn điều lệ, các chỉ tiêu kinh doanh chính của VIB trong năm 2015 sẽ được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, tổng tài sản sẽ tăng lên 88.251 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay tăng 11%, đạt 42.380 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 654 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%, cổ tức dự kiến là 8%.
Các chỉ số ROA và ROE lần lượt đạt 0,77% và 7,68%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15%, so với mức 17,7% của năm 2014.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, VIB cũng dự tính 2 phương án tăng trưởng tín dụng. Phương án 1, tín dụng chỉ tăng 11%, tương ứng dư nợ cho vay 42.380 tỷ đồng (theo chỉ tiêu NHNN đã giao).
Phương án 2 là dư nợ tín dụng sẽ tăng mạnh tới 27%, đạt 48.532 tỷ đồng (theo khả năng thực tế của VIB và NHNN có các phê duyệt bổ sung). Đây là mức tăng tín dụng lớn trong hệ thống thống mà năm 2015, chỉ có vài ngân hàng được NHNN giao chỉ tiêu tín dụng tăng trên 20%.
Áp lực xử lý nợ xấu
Năm 2014 vừa qua, kết quả kinh doanh của Ngân hàng VIB đã có cải thiện đáng kể ở một số chỉ tiêu chính. Đơn cử, doanh thu thuần tăng 38%, đạt 3.470 tỷ đồng, dư nợ tín dụng (gồm cả cho vay và đầu tư trái phiếu) đạt 44.000 tỷ đồng, tăng tới 16% so với năm trước, tiền huy động đạt 49,052 tỷ đồng, tăng 13%…
Lợi nhuận trước thuế đạt 648 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 523 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động ngân hàng bán lẻ và cho vay khách hàng doanh nghiệp đóng góp thu nhập tích cực hơn. Với kết quả kinh doanh có lãi, HĐQT dự kiến trình xin chia cổ tức năm 2014 ở mức 11%, tương ứng 468 tỷ đồng.
Trong 3 năm qua, VIB cũng thể hiện khả năng và hiệu quả xử lý nợ xấu tích cực hơn, dưới nhiều hình thức như: tăng mạnh dư nợ cho vay, bán nợ xấu cho Công ty VAMC hay bán nợ cho các tổ chức tín dụng khác, tự xử lý thu hồi nợ… Riêng số nợ xấu mà VIB đã bán cho Công ty VAMC là hơn 2.306 tỷ tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu đạt 144 tỷ đồng.
Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh từ 2,82% (cuối năm 2013 ) xuống còn 2,51% dư nợ vào cuối 2014, nhưng số nợ xấu thực tế tăng lên trên 958 tỷ đồng. Năm vừa qua, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng mạnh lên 1.188 tỷ đồng. Nếu tích cực xử lý nợ xấu, thu hồi nợ quá hạn thì lợi nhuận của VIB sẽ cải thiện đáng kể trong năm nay.
Một nội dung quan trọng được đề cập tại Đại hội cổ đông năm 2015 là yếu tố ngoại trong HĐQT và Ban kiểm soát trong năm 2015 có. Trong đó, HĐQT có 3/8 thành viên là người nước ngoài, 1 đại diện nước ngoài trong Ban kiểm soát. Hiện tại, đã có 2 thành viên HĐQT người nước ngoài từ nhiệm và dự kiến sẽ bầu bổ sung tại ĐHCĐ tới đây.
Theo TBKD