Vì sao Trung Quốc lần đầu công bố hình ảnh phóng tên lửa siêu thanh DF-17 vào lúc này?

VietTimes – Thế giới bên ngoài đang chú ý đến việc Đài Truyền hình Trung Quốc bất ngờ công bố hình ảnh phóng tên lửa siêu thanh "Dongfeng-17" (DF-17) giữa lúc đang có tranh cãi về việc bà Pelosi có thăm Đài Loan hay không.
Hình ảnh phóng thử Dongfeng-17 trong phóng sự của CCTV tối 30/7 (Ảnh: HK01).

Vào thời điểm nhạy cảm hai bên Trung – Mỹ đang đấu khẩu quanh việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể tới thăm Đài Loan, PLA đã liên tiếp đưa ra các thông tin như tiến hành tập trận bắn đạn thật trên biển ở 3 Chiến khu lớn, đưa máy bay tiếp dầu trên không Yunyou-20 vào trang bị và hình ảnh phóng tên lửa siêu thanh "Dongfeng-17". Các động thái này được cho là nhằm gửi tín hiệu cảnh báo tới Mỹ.

Trang web Hồng Kông HK01 ngày 31/7 cho biết chương trình quân sự của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 30/7 đã phát một phóng sự truyền hình với tiêu đề "81 giây để thấy sức mạnh của quân nhân Trung Quốc", "lần đầu tiên công khai hình ảnh vụ phóng tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 được gọi là sát thủ tàu sân bay”. Ở giây thứ 67 của đoạn phim 81 giây về uy lực của các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự của Trung Quốc là hình ảnh tên lửa Dongfeng được phóng.

Trang HK01 đưa tin về phóng sự trên CCTV quân sự tối 30/7.

Qua đoạn phim do CCTV Military công bố, quả tên lửa bay lên từ xe phóng di động trên mặt đất. Nếu phóng to hình ảnh, người ta có thể thấy sự khác biệt - đầu đạn của tên lửa rõ ràng không phải là hình nón hoặc hình hai cạnh của tên lửa đạn đạo thông thường, mà là hình dạng bất đối xứng hai bên trái-phải và có thể nhìn thấy cánh nhỏ ở nửa phía sau đầu đạn. Tổng hợp những đặc điểm này, có thể phán đoán đó chính là tên lửa siêu thanh "Dongfeng-17".

Theo truyền thông Hồng Kông, "Dongfeng-17" đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2017 và ra mắt lần đầu tại lễ duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10) năm 2019. Bản tin của HK01 cho rằng "Dongfeng-17" có tầm bắn lên tới 2.500 km và có thể "thực hiện các động tác cơ động né tránh với tốc độ gấp vài lần tốc độ âm thanh", có thể tránh được các hệ thống đánh chặn.

Tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh (Ảnh: HK01).

Trên thực tế, "Dongfeng-17" kể từ khi công khai xuất hiện trước công chúng đã được phương Tây, đặc biệt là Mỹ, hết sức quan tâm. Các báo cáo quân sự của Mỹ đã nhiều lần cho rằng "Dongfeng-17" là một trong những tên lửa siêu thanh tiên tiến nhất trên thế giới, tiên tiến hơn và khó đánh chặn hơn “Kinzhai” của Nga.

Về phía quân đội Mỹ, tên lửa siêu thanh AGM-183A có thiết kế tương tự của họ vẫn còn đang ở trong quá trình thử nghiệm, và đầu đạn nó mang theo cũng nhỏ hơn nhiều so với "Dongfeng-17".

Thượng Báo Đài Loan cho rằng, truyền thông Trung Quốc lần đầu công bố hình ảnh phóng Dongfeng-17 nhằm cảnh cáo bà Pelosi.

Về hiệu suất cụ thể của "Dongfeng-17", thế giới bên ngoài lại càng chia rẽ, có ý kiến suy đoán cho rằng tốc độ tối đa của nó có thể đạt gấp 20 lần tốc độ âm thanh, có thể làm giảm rất nhiều thời gian phản ứng của đối phương. Truyền thông Đài Loan cho rằng độ chính xác trúng đích của tên lửa “Dongfeng-17” là trong vòng 10 mét, và "không có vấn đề gì khi bắn trúng các mục tiêu có giá trị cao như trạm radar". Tài liệu "Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2021" do Lầu Năm Góc công bố thậm chí còn tuyên bố rằng tên lửa siêu thanh "Dongfeng-17" "có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân".

CCTV cũng đưa hình ảnh máy bay Yunyou-20 tiếp dầu trên không cho J-16 (Ảnh: CCTV Military).

Cũng chính vì vậy, bất kỳ động thái nào của "Dongfeng-17" cũng đều có thể thu hút sự chú ý lớn từ thế giới bên ngoài. Sau khi CCTV công bố hình ảnh phóng "Dongfeng-17", trang Thượng Báo (Up Media) của Đài Loan đã nhanh chóng gắn nó với việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi định đến thăm Đài Loan, cho rằng đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc của Trung Quốc đối với bà.

Đài "Now News" của Hồng Kông ngày 31/7 cũng chú ý rằng ngoài việc CCTV lần đầu tiên công bố hình ảnh phóng tên lửa siêu thanh "Dongfeng-17", PLA cũng đã liên tiếp tuyên bố rằng cần ứng phó với "tình hình ở Eo biển Đài Loan đang nóng lên". Ông Thẩm Tiến Khoa (Shen Jinke), người phát ngôn của Lực lượng Không quân PLA, nói tại cuộc họp báo về hoạt động mở rộng của Lực lượng hàng không Không quân cùng ngày 31/7 rằng, Lực lượng Không quân tự tin và có năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. "Các máy bay Yunyou-20 và J-16 của Lực lượng Không quân gần đây đã tiến hành huấn luyện tiếp nhiên liệu trên không trên biển để nâng cao trình độ huấn luyện chiến đấu thực tế”.

Phóng sự của CCTV Military, ở giây 67 có hình ảnh phóng tên lửa siêu thanh Dongfeng-17.

Thẩm Tiến Khoa còn cho biết “nhiều loại máy bay chiến đấu của Không quân đã bay vòng quanh đảo Đài Loan, rèn luyện nâng cao năng lực giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Lực lượng Không quân có ý chí kiên định, tự tin, đủ năng lực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia". Đồng thời, ba chiến khu lớn của PLA Miền bắc, Miền đông và Miền nam, gần đây cũng đã triển khai một số cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật với ý đồ rất rõ.

Trang tin QQ của Trung Quốc cho rằng, Lầu Năm Góc, nơi phát tín hiệu rằng họ đang "theo dõi động thái của PLA cả ngày lẫn đêm", có thể hiểu được những cảnh báo này.