Một lần nữa, Triều Tiên lại gây nên cơn địa chấn ở Đông Bắc Á qua việc “thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đầu tiên” tại khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri nằm ở phía đông bắc nước này hôm 6-1. Một lần nữa, Hội đồng Bảo an LHQ lại nhóm họp khẩn; các biện pháp trừng phạt lại được áp dụng; các cuộc đàm phán 6 bên rồi lại sẽ được khởi dộng.
Và một lần nữa, người ta sẽ phải đặt câu hỏi: trong bối cảnh bị cô lập, cấm vận và nền nông nghiệp liên tục bị thất bát, Triều Tiên lấy gì để “nuôi” một lực lượng quân đội hùng mạnh, nhất là để duy trì chương trình hạt nhân đầy tốn kém của họ?
Có thật sự Triều Tiên “nghèo đói” và khốn khổ?
Từ nhiều năm nay, người nước ngoài hễ nhắc đến Triều Tiên thì phần đông đều nghĩ đó là xứ sở nghèo đói và khốn khổ, người dân thì hiếu chiến. Nguyên nhân chủ yếu, các phương tiện truyền thông phương Tây và Hàn Quốc thường đưa tin phiến diện một cách có chủ định, trong khi đó, bản thân Triều Tiên lại ít đưa hình ảnh của mình ra bên ngoài.
Cần phải khẳng định ngay rằng, về mọi tiêu chí thì nền kinh tế cũng như mức sống của người dân Triều Tiên còn tụt khá xa so với Hàn Quốc (GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là 32.400 USD, của Triều Tiên chỉ là 1.800 USD). Tuy nhiên, hãy thử đến đất nước này một lần, chắc hẳn bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Bạn sẽ không ngờ rằng cơ sở hạ tầng của Triều Tiên lại phát triển đến thế. Tại Thủ đô Bình Nhưỡng, tàu điện ngầm đã có từ mấy chục năm trước-sang trọng, sạch sẽ; đường phố rộng rãi, khang trang với rất nhiều tòa nhà cao tầng hoành tráng. Tốc độ xây dựng nhanh chóng mặt không chỉ ở Bình Nhưỡng và các thành phố lớn khác, mà cả ở các khu vực nông thôn. Những năm gần đây, trong khi cộng đồng quốc tế lo người dân Triều Tiên chết đói thì quy mô xây dựng các công trình công cộng lại mở rộng hơn trước, kể cả những công trình tầm cỡ như công viên nước, trường đua ngựa, các khách sạn từ 20 đến 50 tầng hiện đại.
Sân vận động quốc gia của Triều Tiên rộng gấp vài lần sân vận động quốc gia Mỹ Đình của Việt Nam. Trong khi đó, Triều Tiên cũng đạt được nhiều thành tựu khoa học, công nghệ mà một số nước phương Tây cũng phải ghen tị. Đơn cử, công nghệ hàng không vũ trụ, phóng vệ tinh, công nghệ thông tin, công nghệ hạt nhân, phát triển tên lửa đạn đạo… là những thành tựu mà trên thế giới hiện nay, những quốc gia vượt hoặc ngang với Triều Tiên chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Từ năm 2009, LHQ áp đặt lệnh cấm vận khắc nghiệt đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, giới thượng lưu ở Bình Nhưỡng vẫn đi xe Lexus, Mercedes, BMW, Toyota hay Land Rover mới cứng. Họ uống rượu xịn và xem TV màn hình phẳng. Theo những nhân viên nước ngoài làm việc tại Triều Tiên, gần đây, thậm chí số ôtô đi lại trên đường còn đông đúc và náo nhiệt hơn trước, dù đa phần người dân nước này vẫn dùng xe cũ.
Bạn hãy ghé qua Pothongang Ryugyong-trung tâm thương mại cao cấp đầu tiên tại Triều Tiên khai trương cuối năm 2011. Tại đây, bày chật kín là các mặt hàng nhập khẩu từ thức ăn, quần áo đến đồ điện tử và nội thất. Khách hàng đến đây có thể thanh toán bằng ngoại tệ. Các loại rượu nổi tiếng đều có mặt đầy đủ: từ Absolut Vodka, Champagne, Hennessy, Johnnie Walker Gold Label, Chivas Regal đến Remy Martin...
Quầy thực phẩm chất đầy bơ Đan Mạch, bơ New Zealand, pho mát Pháp và các loại nước ngọt nổi tiếng thế giới, trừ Coca Cola. Các mặt hàng xa xỉ khác được bày bán là đồng hồ cao cấp, trang sức, nước hoa ngoại, TV màn hình phẳng và loa. Thậm chí người ta còn có thể tìm được tại Pothongang các loại thực phẩm và bát đĩa cao cấp của Nhật Bản, dù nước này cấm vận Triều Tiên rất nghiêm khắc.
Tháng 2/2014, Giáo sư Patrick Maurus thuộc Viện Nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh Phương Đông (Paris) sau một chuyến thăm dài ngày đến Triều Tiên đã thốt lên: “Bình Nhưỡng chẳng thiếu thứ gì cả!”.
Tiền đâu ra?
Nguồn thu lớn nhất (và bí mật nhất về số liệu) của Triều Tiên đến từ nghành công nghiệp khai thác mỏ. Là quốc gia có nguồn tài nguyên trong lòng đất rất phong phú như vàng, kẽm, magie carbonate…, Triều Tiên chủ trương bán cho nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) những loại khoáng sản không có nhu cầu sử dụng nhiều ở trong nước. Trong đó, mặt hàng chủ lực là Đất hiếm-có nguồn tin cho rằng chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Theo một số nghiên cứu, trữ lượng đất hiếm của Triều Tiên có thể lên tới 20 triệu tấn và ước lượng giá trị lên đến 6.000 tỷ USD, và đây được xem là nguồn kinh phí chủ yếu để Triều Tiên hiện đại hóa quân đội và đầu tư cho chương trình hạt nhân.
Dù bị LHQ cấm vận, Triều Tiên vẫn xuất khẩu được vũ khí ra nước ngoài, đây cũng là nguồn thu “không chính thức” nhưng khá ấn tượng của Bình Nhưỡng. Những thị trường xuất khẩu vũ khí truyền thống của Triều Tiên là châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông. Một nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết, tên lửa Scud mà lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen sử dụng trong cuộc chiến chống chính quyền Sanaa là của Triều Tiên-từ thập niên 1990, nước này đã bán tên lửa và gửi chuyên gia kỹ thuật quân sự đến Yemen.
Một báo cáo của LHQ nói Triều Tiên đã cung cấp động cơ và linh kiện thay thế cho tàu tuần tra mà nước này bán cho Angola, đây là hành động bị xem là vi phạm lệnh cấm vận của LHQ. Chịu trách nhiệm chính trong thương vụ này là Công ty Saengpil thuộc Tập đoàn Green Pine Associated thuộc sự quản lý của Tổng cục Trinh sát, cơ quan tình báo đặc trách các nhiệm vụ bí mật của Bình Nhưỡng. Hàng chục chuyên gia quân sự Triều Tiên được cho là đang cung cấp vũ khí và giúp huấn luyện đội ngũ cận vệ của các đời tổng thống Angola.
Ngoài ra, các nước Uganda, Tanzania, Ethiopia và Eritrea; các tổ chức Hamas, Hezbollah cũng bị LHQ nghi ngờ là có những hợp đồng với Triều Tiên trong việc huấn luyện lực lượng an ninh, sản xuất đạn dược, cải tiến các phi đoàn máy bay mua từ Trung Quốc, cung cấp các bộ phận tên lửa, hỗ trợ xây dựng boong ke và đường hầm… Đương nhiên, phía Triều Tiên phủ nhận những thông tin này. Chưa hết, Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh-Ji Jae Ryong đã có lần “buột miệng” tuyên bố vũ khí hạt nhân của nước ông “không phải là món đồ chơi có thể đặt lên bàn đàm phán, mà đó là vũ khí cần thiết để bảo vệ chủ quyền và những quyền quan trọng khác từ mối đe dọa hạt nhân cũng như chính sách thù địch của Mỹ”.
Theo nhận định của nhà phân tích Zachary Keck trên chuyên san The National Interest (Mỹ), “các quyền quan trọng khác” ở đây có thể ám chỉ công nghệ vũ khí hạt nhân là một nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho Triều Tiên, và khách hàng số 1 có thể là Saudi Arabia, quốc gia luôn dư thừa ngoại tệ mà lại cần một thứ “bảo bối” để có thể “ăn thua” và tranh giành ảnh hưởng với Iran.
Trong khi đó, mặc dù truyền thông Mỹ và Hàn Quốc liên tục bóng gió rằng nền kinh tế Triều Tiên đang đứng trên bờ sụp đổ nhưng có một điều ít người ngờ đến là suy thoái kinh tế toàn cầu hầu như không ảnh hưởng đến Triều Tiên. Trong khi kinh tế toàn cầu bắt đầu trượt dốc từ cuối năm 2007 thì kinh tế Triều Tiên có mức tăng trưởng cao nhất trong 1 thập kỷ qua. Ngoài ra, bất chấp lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn có quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 150 nước, trong đó có nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Và thật bất ngờ, theo ông Jang Jin Sung-Tổng Biên tập website New Focus International chuyên đưa tin dựa trên cơ sở mạng lưới những người Triều Tiên lưu vong và các nguồn tin bên trong Triều Tiên, thì chính vốn đầu tư từ Hàn Quốc đã góp phần tạo ra nguồn thu ngoại tệ “khủng” của Triều Tiên. Hiện Hàn Quốc là đối tác đầu tư, thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên (sau Trung Quốc) với khoảng 20 công ty đang hoạt động trên lãnh thổ “người anh em phía Bắc”. Hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Triều Tiên chiếm 19,4% tỷ lệ nhập khẩu của nước này (từ Trung Quốc là 67,2% và từ EU là 3,6%). Hàng xuất khẩu của Triều Tiên đi Trung Quốc chiếm 61,6%, đi Hàn Quốc chiếm 20% và đi EU chiếm 4%.
Nhìn chung, GDP khoảng 16 tỷ USD/năm chỉ đủ trang trải cho bộ máy hành chính và các nhu cầu an sinh xã hội của Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện công việc khó khăn nhất ở Triều Tiên là nạn đói đã được giải quyết cơ bản. Nông dân đã có thể giữ lại sản phẩm mình làm ra để lo cho gia đình và bán ra thị trường thay vì nộp lại toàn bộ cho nhà nước và hưởng theo chế độ phân phối như trước đây.
Do vậy, Bình Nhưỡng hoàn toàn rảnh tay tập trung cho các chương trình “gây tranh cãi” bằng các nguồn thu không chính thức. Giáo sư Patrick Maurus cho rằng, nếu cứ tiếp tục đà cải cách được vận hành từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền và thiết lập được “một nhà nước hiện đại”, Triều Tiên thậm chí có thể trở thành “con rồng nhỏ” của châu Á chứ không phải là “khốn khổ”. Và khi đó, thế giới có thể liên tục rúng động trước những cơn “địa chấn” mới cũng như đau đầu trước những chính sách khó lường của Bình Nhưỡng.
N.P