Ngày 6/1, “trận động đất nhân tạo” mạnh 4,9 độ richte trên bán đảo Triều Tiên đã làm chấn động dư luận quốc tế, các bên Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và EU... đã lập tức lên tiếng phản hồi về sự kiện này. Tuy nhiên, mối quan tâm của các bên không giống nhau.
Sau sự kiện này, vấn đề đáng chú ý nhất là, mặc dù Nhà Trắng có phản hồi, nhưng trọng tâm lại tập trung vào “Triều Tiên chỉ thử nghiệm hạt nhân chứ không phải thử bom H” và an ủi nước đồng minh là Hàn Quốc, còn Bắc Kinh lại tỏ ra cứng rắn hơn rất nhiều.
5 giờ sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh lập tức tuyên bố thông cáo: “Kiên quyết phản đối” Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, “cực lực đôn đốc” Triều Tiên tuân thủ lời cam kết phi hạt nhân hóa, chấm dứt mọi hành động đẩy cục diện leo thang. Và trong khâu trả lời phỏng vấn giới báo chí sau đó, bà Hoa Xuân Oánh lại chỉ ra rằng: “Lần này Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, phía Trung Quốc không được thông báo trước”, “Trung Quốc sẽ triệu tập đại sứ Triều Tiên để chính thức phản đối vụ việc”.
Khi được hỏi, liệu Trung Quốc có trừng phạt Triều Tiên vì hành động táo bạo mới này, bà Hoa Xuân Oánh không phủ nhận, cũng không trả lời trực tiếp, nhưng ám chỉ ngầm rằng: “Chúng tôi sẽ tuân thủ vai trò quốc tế của mình để thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo”. Điều này có nghĩa, không những Trung Quốc áp dụng biện pháp đơn phương, mà còn đứng về phía “cộng đồng quốc tế” để trừng phạt Triều Tiên. So sánh 4 lần phát biểu thông cáo của Trung Quốc nhằm vào các đợt thử hạn nhân của Triều Tiên có thể thấy, lập trường của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đã có sự thay đổi rõ rệt.
Tính đến thời điểm này, tổng cộng Triều Tiên đã có 4 lần thử hạt nhân công khai, gần như lần nào cũng bị dư luận quốc tế gắn mác “nhằm mục đích đe dọa Mỹ”. Song song với đó, chỉ cần một động thái nhẹ là Mỹ lại đẩy mạnh các biện pháp chế tài với Triều Tiên, điều này càng khiến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bị coi là mối ân oán khó dứt giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong bối cảnh lớn này, tại sao lần này, Trung Quốc – quốc gia từ lâu vốn không muốn đứng về phe Mỹ, Hàn Quốc gây sức ép cho Triều Tiên lại tỏ rõ lập trường cứng rắn như vậy?
Trung Quốc – Triều Tiên không có vùng đệm
Mặc dù sau lần thử nghiệm hạt nhân này của Triều Tiên, nhiều nhà phân tích tập trung bàn thảo vấn đề hiện nay Triều Tiên chưa thể có đủ khả năng sản xuất bom H, lần thử nghiệm này chủ yếu chỉ là lớn tiếng răn đe, nhưng mối đe dọa bày ra trước mặt lại hoàn toàn thực tế.
Nhìn lại lịch sử, với vai trò là hai quốc gia Đông Bắc Á, đồng thời là nước láng giềng trên bán đảo Triều Tiên, dường như từ lâu Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên có mối quan hệ đặc biệt “môi hở răng lạnh”. Giữa thế kỷ trước, vì nước Trung Quốc non trẻ tham gia vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, sau khi chiến tranh kết thúc, vĩ tuyến 38 bắc - đường vĩ tuyến nằm ở độ số 38 trên bán cầu bắc đã chia bán đảo Triều Tiên thành hai miền Nam Bắc, Triều Tiên càng bị thế giới coi là chiến trường đấu trí giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đây cũng được coi là vùng đệm để Trung Quốc đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.
Tuy nhiên, cùng với hàng loạt biến động của môi trường quốc tế và khu vực vài thập kỷ trở lại đây, cộng với những thay đổi trong mối quan hệ song phương và đa phương giữa Trung Quốc, Triều Tiên và Mỹ, đều khiến Triều Tiên bắt đầu coi nhẹ ý nghĩa chiến lược của Trung Quốc.
Nhìn lại sẽ thấy, khi bên cạnh sự cạnh tranh và đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ còn có sự hợp tác thường niên, không chỉ xác suất khai chiến giữa hai cường quốc hạt nhân là Trung Quốc và Mỹ gần như là con số không, chiến tranh hiện đại chủ yếu là sự đối đầu trong tác chiến điện tử và chiến tranh tên lửa trên biển và trên không, đều khiến dư luận nghi ngờ về việc Triều Tiên có thể dựa vào “thế mạnh trên bộ” của mình để tiếp tục đảm nhận vai trò vùng đệm của Trung Quốc và Mỹ.
Hai nước Trung Quốc và Triều Tiên tồn tại những bất đồng khó hòa giải trong vấn đề sở hữu hạt nhân có thể trở thành đối tác bình thường theo đúng nghĩa của nó hay không lại càng khó đưa ra kết luận. Ngoài ra, các thiết bị nghiên cứu hạt nhân, quặng Urani, nhà máy điện hạt nhân, kho chứa rác thải hạt nhân, bãi thử hạt nhân... được bố trí đầy rẫy ở Triều Tiên càng trở thành mối đe dọa bất ổn nhất với các tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp Triều Tiên.
Số liệu công khai cho thấy, tại bờ biển phía Tây Bắc, Triều Tiên xây dựng trạm phóng tên lửa tầm xa Sohae chỉ cách thành phố Đan Đông của Trung Quốc hơn 50km, Trung tâm hạt nhân Yongbyon chỉ cách biên giới hai nước 110 km... Ngoài ra, còn có rất nhiều xưởng hạt nhân, kho dự trữ được xây dựng ở khu vực lân cận biên giới Trung Triều. Không chỉ Trung Quốc, thậm chí là nước Mỹ cũng cảm thấy sợ hãi trước “mối đe dọa hạt nhân” này.
Ông Siegfried Hecker - chuyên gia hạt nhân của Mỹ đã từng 2 lần được Triều Tiên mời sang tham quan đã từng thốt lên trước quy mô cực lớn của các thiết bị hạt nhân, hệ số an toàn cực thấp của Triều Tiên. Đồng thời ông Siegfried Hecker cũng thẳng thắn phát biểu rằng, “sau khi sang tham quan Triều Tiên, tôi thực sự cảm thấy băn khoăn, chúng ta cứ trân trân khoanh tay đứng nhìn họ xảy ra các cuộc biến loạn hạt nhân nghiêm trọng, gây ra tình trạng ô nhiễm hạt nhân trên diện tích lớn và số người thiệt mạng cực lớn hay giang tay cứu trợ, giúp họ về công nghệ để tránh những biến loạn về hạt nhân?
Nếu lựa chọn cách thứ nhất, lương tâm của một nhà khoa học sẽ cảm thấy day dứt; Nếu lựa chọn cách thứ hai, trên thực tế là giúp họ chế tạo vũ khí sát thương trên quy mô lớn, hậu quả càng nghiêm trọng hơn. Hiện tại dường như cách lựa chọn nào cũng đều không phù hợp. Người Trung Quốc thông minh, liệu họ có cách nào giải quyết bài toán khó này không?
“Câu hỏi Siegfried Hecker” đã gây xôn xao trong cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng vạch ra cho thế giới thấy một thực tế tàn khốc – giữa Trung Quốc và Triều Tiên không có “vùng đệm”, và chắc chắn đây đã trở thành bối cảnh lớn để Trung Quốc quay sang “xử rắn” với Triều Tiên.
Trung Quốc là bên bị hại lớn nhất
Ngoài ra, vấn đề nghiêm trọng hơn nằm ở chỗ, trong vấn đề hạt nhân, Triều Tiên ngày càng tỏ ra lấn át và khó dự đoán, không chỉ là để đe dọa Mỹ. Từ lâu, mặc dù dư luận coi các vụ thử nghiệm hạt nhân của triều Tiên là “trò mèo” hù dọa Mỹ, nhưng “đối với Mỹ, vũ khí hạt nhân là thẻ bài để Triều Tiên nâng vị thế đàm phán cho mình, thúc Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên; Đối với các nước xung quanh Triều Tiên, đó là vũ khí lợi hại để đối kháng và dọa nạt”.
Và ở một mức độ nào đó, đứng trước chiêu bài “lòe bịp hạt nhân” của Triều Tiên, có thể Trung Quốc sẽ phải gánh chịu sức ép lớn hơn các nước khác. Một mặt, “láng giềng không thể lựa chọn” đã khiến Trung Quốc phải gánh chịu nhiều rủi ro hạt nhân hơn Mỹ, mặt khác, “mối quan hệ đặc biệt” Trung Triều và “sự gắn kết mật thiết” từ lâu cũng khiến Trung Quốc không thể dễ dàng thoát thân. Khi ngày càng phải “đỡ đạn” nhiều hơn cho những hành động phi lý Triều Tiên, Trung Quốc cũng cảm thấy mệt mỏi, cuối cùng cũng nghĩ rằng không thể nhẫn nhục ủng hộ Triều Tiên vô điều kiện nữa.
Giống như một số phân tích chỉ ra rằng, trong bối cảnh sự phát triển lực lượng hạt nhân của Triều Tiên bị hạn chế, quân lực thường quy khó thành hệ thống, sự mở cửa về chính trị, kinh tế ở Triều Tiên gần như vô vọng như hiện tại, một logic ngày càng hiện ra rõ ràng hơn: Sách lược của Bình Nhưỡng đầu tiên là nắm bắt kỹ thuật hạt nhân bằng mọi giá, sau đó ép cộng đồng quốc tế thừa nhận họ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, rồi cuối cùng mới dịch chuyển trọng điểm sang cải thiện ngoại giao và hợp tác kinh tế, đến khi đất nước khá giả lại tiếp tục củng cố vị thế quốc gia hạt nhân của mình.
Số liệu công khai cho thấy, Trung Quốc chủ yếu viện trợ lương thực và dầu mỏ cho Triều Tiên. Trong đó, hoạt động viện trợ về kinh tế đối với Triều Tiên được Trung Quốc thực hiện trước khi đất nước Trung Quốc mới được thành lập. Tổ chức chương trình lương thực thế giới từng đưa ra báo cáo cho thấy, từ năm 1995 đến 2009, Trung Quốc là quốc gia viện trợ lương thực nhiều nhất cho Triều Tiên, chiếm 26,9% tổng số lương thực Triều Tiên được nhận viện trợ, tiếp theo mới là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Không giống với các quốc gia khác, hoạt động viện trợ lương thực của Trung Quốc cho Triều Tiên không thông qua bên thứ ba, mà là trực tiếp giao cho chính phủ Triều Tiên, Trung Quốc cũng không thiết lập cơ chế nào giám sát dòng chảy của số lương thực viện trợ cho quốc gia này. Trong hoạt động viện trợ dầu mỏ, từ năm 1991, Trung Quốc đã thay thế Liên Xô, trở thành trụ cột duy nhất cung cấp dầu thô cho Triều Tiên.
Mỗi năm Trung Quốc vận chuyển sang quốc gia này khoảng 500.000 tấn dầu mỏ, chiếm 80% tổng lượng dầu mỏ Triều Tiên nhập khẩu. Sự viện trợ về lương thực và dầu mỏ đã tạo thành tuyến tiếp tế liên quan đến sự sống còn của Triều Tiên. Ngoài dầu mỏ và lương thực, Trung Quốc còn viện trợ cho Triều Tiên rất nhiều sản phẩm, từ mặt hàng nhu yếu phẩm đến nguyên liệu công nghiệp. Hàng năm, khoảng 50% lỗ hổng thiếu hàng hóa của Triều Tiên do Trung Quốc bù đắp và giải quyết.
Đương nhiên, mặc dù việc liên tiếp viện trợ cho Triều Tiên – quốc gia luôn có những hành động trái khoáy, bất chấp lợi ích của “nhà tài trợ” không hẳn là gánh nặng với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, nhưng chắc chắn Bắc Kinh cũng phải suy nghĩ không thể tiếp tục kéo dài công việc này, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt về mặt đạo nghĩa và chính trị quốc tế. Trong con mắt của dư luận bên ngoài, với vai trò là “chủ nợ” lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc nên có đủ lý do và thực lực để ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng, tuy nhiên một thực tế là, mối quan hệ Trung – Triều vốn được coi là “quan hệ đồng minh ruột” không thân mật, ổn định như người ta vẫn tưởng.
Từ vụ thử hạt nhân này Triều Tiên “không thông báo trước” với Trung Quốc có thể thấy, Triều Tiên đang từng bước thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc, có thể rơi vào trạng thái “mất kiểm soát” nghiêm trọng hơn. Và chính sách “ưu tiên phát triển quốc phòng” đã gây ra điều đó, Triều Tiên đã sử dụng một phần lớn khoản viện trợ để phát triển quân sự, nhưng lại bắt Trung Quốc phải “thanh toán” cho hóa đơn này. Điều này không những gây gánh nặng về kinh tế cho Trung Quốc, mà khi nguồn vật tư Trung Quốc ùn ùn chui vào túi Triều Tiên, càng khiến Trung Quốc phải đối mặt với sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Hiện tại thái độ của Trung Quốc đặc biệt cứng rắn với Triều Tiên, một phần là răn đe, một phần là nhắc nhở. Điều này đều khiến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và bản thân quốc gia này trở thành “nguồn tài sản tiêu cực” trong mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời thực sự là mối đe dọa đối với lợi ích trước mắt của Trung Quốc, Bắc Kinh phải tự nhìn nhận lại chính sách áp dụng với Bình Nhưỡng là một kết quả tất yếu.
H.L