Vinamotor hoan nghênh Sacom
Việc Sacom sốt sắng xin mua toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Vinamotor được coi là một bất ngờ, bởi Sacom là doanh nghiệp chuyên về sản xuất điện, không có nhiều mối liên hệ về ngành nghề kinh doanh với Vinamotor. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Sacom là một doanh nghiệp chuyên về sản xuất điện. Tuy nhiên, trên quan điểm của doanh nghiệp, họ nhận thấy đây là ngành nghề có nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội phát triển phù hợp với định hướng của họ nên họ lấn sân sang.
Cũng có thể lĩnh vực truyền thống bắt đầu có sự cạnh tranh khốc liệt nên họ tìm kiếm hướng đi mới. Vinamotor hoan nghênh việc Sacom mua toàn bộ vốn Nhà nước tại đây, bởi công nghiệp ô tô là ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn.
Trong đợt IPO hồi tháng ba năm ngoái, dù tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lên đến 51%, nhưng không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, nay lại có doanh nghiệp đề xuất mua toàn bộ số cổ phần này, phải chăng nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng thực sự của Vinamotor?
Đợt IPO năm ngoái tỷ lệ đề xuất bán ra đến 51%, có nghĩa lúc đó, nhà đầu tư nào đứng ra đấu thầu toàn bộ, họ đã có quyền chi phối doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể lúc đó, các nhà đầu tư chưa nghiên cứu và thấy hết được tiềm năng, cũng như lợi thế của Vinamotor.
Còn bây giờ, thị trường rõ ràng khởi sắc, năm nay thị trường ô tô tiêu thụ đã tăng trưởng vượt bậc so với năm 2013. Sacom có thể đã nhìn thấy tiềm năng này khi quyết định để đầu tư vào Vinamotor.
Không chỉ lợi thế về đất đai, nhà xưởng
Có ý kiến cho rằng, Sacom mua cổ phần của Vinamotor thực chất chỉ quan tâm đến một số công ty thành viên có đất đai, nhà xưởng rộng lớn như Cơ khí 3/2, Ngô Gia Tự hay Công ty Cổ phần ôtô 1/5 mà công ty mẹ vẫn giữ cổ phần chi phối. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Vinamotor năm 2014 đều vượt kế hoạch. Doanh thu thực hiện đạt hơn 216%, bằng hơn 211% so với năm 2013. Đặc biệt, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, Vinamotor thực hiện 65 tỷ đồng, đạt hơn 590% so với kế hoạch đề ra, bằng 591% so với năm 2013.
Khi một doanh nghiệp muốn mua toàn bộ cổ phần của Vinamotor, với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, trong đó Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ 97%, đây là số vốn không hề nhỏ. Do vậy, Sacom chắc chắn đã phải tìm hiểu kỹ tất cả các yếu tố về thị trường và doanh nghiệp, trong đó có cả những lợi thế về đất đai, nhà xưởng, yếu tố ngành nghề, thương hiệu, cơ sở vật chất có sẵn của Vinamotor...
Khi đầu tư vào Vinamotor, ngoài sản xuất ô tô, họ có thể sản xuất thêm các ngành nghề khác, hoặc tận dụng yếu tố những nhà xưởng thuận lợi để phát triển các nhà máy ở đó gần khu vực tiêu thụ của họ chẳng hạn. Vì vậy, nếu nói chỉ quan tâm đến đất đai, nhà xưởng, theo quan điểm của tôi không hẳn là vậy.
Nếu đề xuất của Sacom được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng thông qua, cơ hội phát triển của Vinamotor thời gian tới thế nào, liệu có hướng tới lĩnh vực chính là công nghiệp ô tô như đơn vị đang thực hiện, thưa ông?
Các sản phẩm chính của Vinamotor đang có chủ yếu là ô tô khách, xe buýt và ô tô tải. Xe khách và xe buýt của Vinamotor hiện tại vẫn chiếm khoảng hơn 50% thị phần của cả nước.
Trong năm 2014, kết quả kinh doanh của Vinamotor về sản lượng xe khách, xe buýt và cả xe tải đều có sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2013. Vì vậy, nếu Sacom mua được Vinamotor, trong lúc thị trường đang phát triển và có thế mạnh thì họ không thể bỏ qua cơ hội phát triển nó. Theo tôi, Sacom chắc chắn vẫn duy trì và giữ vững lĩnh vực chính là công nghiệp ô tô, đây là một trong những yếu tố quyết định, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp mới.
Cảm ơn ông!
Theo: Báo Giao thông