|
Rác thải điện tử được phân loại trong một cơ sở tại Massachusetts. Ảnh: TheVergeScience |
Gần đây, một số công ty công nghệ bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực tái chế rác thải điện tử. Apple ra mắt “cô nàng” Daisy, robot chuyên tháo rời và tái chế những vật liệu hiếm trên các mẫu iPhone cũ. Theo Reuters, một công ty tại Hàn Quốc đầu tư cho việc tái chế các vật liệu hiếm từ pin xe hơi.
Trong bài viết trên tạp chí Environmental Science & Technology, các nhà nghiên cứu cho rằng việc thu hồi và khai thác các vật liệu từ thiết bị điện tử bị bỏ đi mang lại doanh thu lớn hơn khai thác trong tự nhiên.
Nhưng chính xác rác thải điện tử là gì? Chỉ là điện thoại di động và những viên pin bỏ đi? Laptop cũ của bạn sẽ được tái chế thế nào? Để trả lời cho những câu hỏi đó, The Verge đã có cuộc gặp gỡ CEO của Sofies, chuyên gia về rác thải điện tử Federico Magalini.
Rác thải điện tử (E-waste) là gì?
|
Bo mạch của một chiếc iPhone cũ cũng chưa nhiều kim loại quý. Ảnh: TheVergeScience
|
Định nghĩa hoàn chỉnh nhất cho rác thải điện tử là bất kỳ thiết bị bỏ đi, vẫn còn hoạt động, được kết nối với nguồn điện (dây nguồn hoặc pin). Nó cũng bao gồm thiết bị tạo ra điện năng như tấm pin năng lượng mặt trời. Đó là rất nhiều thiết bị mà bạn thậm chí còn không nhớ về sự tồn tại của nó ngay trong nhà. Con số thống kê chính xác các thiết bị điện tử trung bình trong một hộ gia đình là 80 chiếc, nhưng khi bạn nói với mọi người chắc sẽ chẳng có ai tin vào điều này.
Thiết bị điện tử là nguồn rác thải gia tăng nhanh chóng và dần trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là đóng góp vào sự gia tăng của rác thải điện tử chỉ bởi lưu luyến với chiếc điện thoại hay laptop cũ. Thay vì đưa tới các điểm tái chế, chúng ta lại giữ những thiết bị đó bên mình.
Đó chính xác là vấn đề, bạn không bao giờ lưu trữ các loại rác thải thực phẩm trong nhà, bạn muốn quẳng chúng đi càng sớm càng tốt. Ngược lại với thiết bị cũ, bạn có thể cất chúng ở bất cứ đâu. Ngày nay, chúng ta gắn bó với điện thoại, máy tính, máy ảnh và rất khó để vứt đi mà không khỏi tiếc nuối.
Ngoài ra, các thiết bị điện tử bị hỏng thì đôi khi chúng vẫn được giữ lại. Vì thế mà số lượng lớn rác thải điện tử không được xử lý. Mỗi người chúng ta đã không suy nghĩ tới vấn đề này và vô tình đã ngăn chặn một lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên quay lại chu kỳ kinh tế.
Tái chế rác thải điện tử
Tái chế rác thải điện tử không phải là ý tưởng mới. The Verge cho biết tại Mỹ, người ta dùng khái niệm “khai thác đô thị” (urban mining) để gọi chung cho quy trình tái chế rác thải nói chung, trong đó có rác thải điện tử. Vậy tái chế rác thải điện tử có thể thu về những gì?
|
Trữ lượng vàng trong 1 tấn điện thoại di động gấp 80 lần so với khai thác trực tiếp từ thiên nhiên. Ảnh: TheVergeScience
|
Hãy cùng lấy ví dụ về vàng, một nguyên loại quý hiếm trong tự nhiên và tập trung chủ yếu tại một số địa điểm. Tuy nhiên, trữ lượng vàng trong 1 tấn đất 0,5 gram. Điều này có nghĩa bạn đào một hố sâu ở ngay sân nhà cũng chỉ thu được nửa gram vàng (tại các mỏ khai thác, mỗi tấn đất chứa khoảng 5-6 gram).
Bây giờ, hãy nhìn vào lượng vàng được gia công trên các linh kiện của 1 chiếc điện thoại di động thì có thể chẳng đáng là bao nhưng trong 1 tấn điện thoại di dộng thì chứa tới 350 gram vàng. Đó là con số cao gấp 80 lần trong lượng vàng có thể khai thác dưới lòng đất.
Khai thác vàng từ rác thải điện tử hiệu quả hơn nhiều so với với bòn rút từ thiên nhiên, tất nhiên chỉ khi rác thải điện tử được tập kết tại một địa điểm.
Những vật liệu hiếm từ rác thải điện tử
Quá trình tái chế từ rác thải điện tử có thể thu được nhiều vật liệu khác nhau: sắt, đồng, nhôm, nhựa... Số lượng vật liệu quý như vàng, bạc, bạch kim, palladium, iridi bên trong thực sự rất ít. Vài năm gần đây, các nhà sản xuất có xu hướng sử dụng những kim loại hiếm khác như lithium, coban. Trong lịch sử, kim loại luôn có giá trị và con người luôn có cách để tái chế nó, hết lần này đến lần khác.
Mỹ và các quốc gia Châu Âu xử lý rác thải điện tử như thế nào?
Tại Châu Âu, các nhà sản xuất trả tiền cho việc thu thập và tái chế những sản phẩm cũ do chính họ tạo ra. Nếu bạn có 1 chiếc máy tính xách tay cũ, bạn có thể đổi trả tại cửa hàng hoặc các điểm thu gom rác thải điện tử tại địa phương.
Tại Mỹ, hệ thống sẽ khác nhau tùy thuộc vào địa điểm bạn sinh sống. Nếu mua một chiếc máy tính tại bang California, bạn sẽ phải trả thêm một khoản tiền nho nhỏ (cỡ 2-3 USD), số tiền này sẽ được chuyển vào quỹ dành cho dịch tái chế và thu gom rác thải.
Rác thải điện tử sau khi thu gom được chở tới cơ sở tái chế. Tại đây, chúng sẽ được tháo dỡ và phân loại bằng phương pháp thủ công. Mặc dù không cần có bằng kỹ sư để thực hiện công việc này nhưng những người thợ chuyên trách vẫn cần cực kỳ cẩn thận. Bởi, ví dụ như máy tính xách tay với đèn nền chứa thủy, rất nguy hiểm và gây ô nhiễm môi trường. Các linh kiện khi được tháo dỡ sẽ được phân loại một lần nữa và chuyển tới các bộ phận khác nhau.
Thông thường để các vật liệu trở lại nguyên chất, chúng sẽ đi qua 2-3 dây truyền riêng biệt. Sắt và đồng sẽ được đưa tới lò đúc, trong khi các bảng mạch cần tới những khu vực phức tạp hơn để tái chế vàng và bạch kim. Quy trình tái chế sẽ phụ thuộc vào vật liệu và tất nhiên, tại các điểm thu gom luôn có người phân loại xem chúng còn có thể sửa chữa hay không.
Công nghệ mới có thật sự làm gia tăng rác thải điện tử?
Tái chế rác thải điện tử, đặc biệt là quá trình phục hồi kim loại quý cũng phức tạp không kém quá trình sản xuất. The Verge đã tới thăm một cơ sở tái chế lớn tại bang Massachusetts và cho biết họ được trang bị rất nhiều thiết bị công nghệ cao. Bạn biết đấy, có người sản xuất thiết bị công nghệ thì sẽ có người phát triển công nghệ tái chế.
Ví dụ, tháo dỡ LCD là một quá trình tốn rất nhiều công sức nhưng tới nay công nghệ tái chế mới chỉ có thể xử lý màn hình CRT. Trong khi đó, sản phẩm công nghệ mới càng sớm được ra mắt thì những thiết bị cũ của bạn sẽ càng sớm trở thành rác thải điện tử. Chúng ta vẫn chưa thể phát triển công nghệ tái chế theo kịp với tốc độ ra mắt thiết bị. Thực tế là 20 – 30 năm trước, mỗi gia đình chỉ sở hữu vài đồ điện tử thì chỉ trong 15 năm qua, con số này đã gia tăng rất nhanh..
Sửa chữa thiết bị cũ thay vì mua mới luôn là cách để bảo vệ môi trường
Từ góc độ môi trường, sẽ tốt hơn nếu bạn không nâng cấp thiết bị quá sớm, đồng thời nhà sản xuất sẽ không cần khai thác vật liệu tự nhiên để sản xuất mẫu sản phẩm mới. Tuy nhiên, nếu thiết bị của bạn được đưa tới đúng các cơ sở tái chế, vật liệu được tái sử dụng lại trong vòng lặp thì rõ ràng sẽ không ảnh hưởng tới môi trường.
Tái chế có thể tạo ra việc làm và quá trình tái chế được thực hiện đúng cách có thể tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Một cách tốt nhất để giữ môi trường luôn sạch là giữ tài nguyên trong vòng lặp, đồng thời điều này cũng mang lại lợi ích cho xã hội.
Hành động tồi tệ nhất mà chúng ta từng làm là mua thiết bị điện tử mới và cất giữ thiết bị cũ trong ngăn kéo. Hành động vô tâm đó có thể khiến chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng về chuỗi cung ứng hạn chế trong tương lai.