|
Phối cảnh sân bay Sangley Point sau khi được mở rộng, nâng cấp (Ảnh: Dwnews). |
Trang tin Singapore Lianhe Zaobao (Liên hợp Buổi sáng) ngày 28/1 cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Tổng thống Philippines Duterte và sẽ ảnh hưởng đến chính sách “thân Trung sơ Mỹ” (thân thiết Trung Quốc, xa rời người Mỹ) của ông.
Tỉnh Cavite, nằm ở phía nam thủ đô Manila, vào năm 2019 đã đấu thầu dự án mở rộng sân bay Sangley Point. Khi đó, liên doanh giữa Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (China Communications Construction Company-CCCC) và Công ty Macro Asia của Philippines độc quyền nhận thầu. Sân bay này cũng sẽ trở thành một trong những dự án cơ sở hạ tầng đắt nhất cả nước.
Thống đốc tỉnh Cavite, ông Remuya hôm 27/1 tiết lộ với phóng viên Reuters rằng "ba đến bốn hạng mục của liên doanh không đạt tiêu chuẩn"; "Theo chúng tôi, điều này cho thấy họ không có ý định dốc sức thực hiện dự án xây dựng sân bay này”.
Công ty Macro Asia giải thích rằng, do ảnh hưởng bởi hạn chế đi lại do dịch COVID-19, họ không thể nộp đầy đủ mọi giấy tờ cho chính quyền. Ngay sau khi thông tin về việc hủy bỏ hợp đồng mở rộng sân bay được đưa ra, giá cổ phiếu của MacroAsia đã giảm tới 19% chỉ trong 10 phút, xuống tới mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về vấn đề này.
|
Sân bay Sangley Point hiện nay (Ảnh: businessmirror). |
Ông Remuya cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng, chính quyền tỉnh Cavite sẽ tìm kiếm các đối tác mới để thực hiện dự án mở rộng sân bay và hy vọng sẽ hoàn tất việc xác định đối tác mới vào tháng 10/2021.
Để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại sân bay quốc tế Manila, chính phủ Philippines có kế hoạch mở rộng sân bay Sangley Point, tiếp giáp với Manila và vốn chỉ phục vụ các tuyến bay nội địa, thành một sân bay quốc tế với 4 đường băng có khả năng tiếp đón 100 triệu hành khách mỗi năm.
Vào tháng 8/2020, chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt với lý do tham gia xây dựng các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm ở Biển Đông và quân sự hóa vùng biển tranh chấp. Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) là một trong số những công ty bị trừng phạt.
Ông Remuya nhấn mạnh, việc hủy bỏ hợp đồng dự án mở rộng sân bay không liên quan gì đến việc công ty CCCC bị Mỹ trừng phạt và các nhà chức trách Philippines sẽ nhanh chóng bắt đầu tham vấn với "bất kỳ đối tác đủ điều kiện nào". Ông nói: “Tôi vẫn cho rằng, xét về lâu dài việc xây dựng một sân bay quốc tế mới là rất quan trọng đối với Philippines”. Tuy nhiên, có thông tin rằng ông Teodoro Locsin Jr., Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, đã đề xuất chấm dứt các dự án liên quan đến các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt.
|
Một phần sân bay sau khi nâng cấp (Ảnh: Lianhe). |
Khi Mỹ mới công bố bản danh sách đen các công ty bị trừng phạt, ông Remuya từng tuyên bố rằng sân bay liên quan đến “các vấn đề an ninh quốc gia.” Do đó, nếu Tổng thống Duterte thấy cần thiết, chính quyền tỉnh có thể hủy bỏ sự hợp tác với liên doanh CCCC và MacroAsia bất cứ lúc nào.
Khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cũng kêu gọi chính phủ nước này đình chỉ mọi dự án hợp tác với các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, ông Duterte sau đó vào tháng 9/2020 đã tuyên bố rằng điều này là không cần thiết và dự án mở rộng sân bay Quốc tế Sangley Point vẫn tiếp tục.
Sau khi lên nắm quyền, ông Duterte đưa ra kế hoạch "Xây dựng, Xây dựng đặc biệt”, ông tích cực theo đuổi các nhà đầu tư Trung Quốc và thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư để cải tạo cơ sở hạ tầng lạc hậu của Philippines.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Tổng thống Duterte đã làm dấy lên sự chỉ trích từ các đối thủ chính trị. Họ cáo buộc ông đặt cược chủ quyền của Philippines để thu hút đầu tư, đặc biệt khi sau đó nhiều dự án cơ sở hạ tầng bị trì hoãn, hủy bỏ hoặc giảm quy mô, khiến càng nhiều người nghi ngờ tác phong của ông.
Sau khi nhậm chức, ông Duterte đã nhiều lần chỉ trích Mỹ, đồng minh truyền thống của Philippines và cũng nhiều lần đe dọa cắt đứt quan hệ với Washington. Đồng thời với việc này, ông ta không quên tán dương khả năng lãnh đạo của Trung Quốc. Ngay cả khi hải quân và hải cảnh sát Trung Quốc thể hiện sức mạnh trên Biển Đông, ông Duterte vẫn trù trừ không có hành động khiến nhiều người cảm thấy bất mãn.
|
Ông Duterte sau khi trở thành Tổng thống Philippines không ngừng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trong ảnh: ông tự tay khử trùng tay cho Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sang thăm Phi hôm 16/1 (Ảnh: Dwnews). |
Khi bị chất vấn, ông Locke, phát ngôn viên của ông Duterte từ chối bình luận về việc hủy bỏ thỏa thuận mở rộng sân bay.
Trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) cho rằng việc hủy bỏ dự án mở rộng sân bay sẽ là một bước lùi nữa đối với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm của ông Duterte sẽ kết thúc vào năm 2022 và hàng chục dự án xây dựng dưới sự lãnh đạo của ông đã bị hoãn, hủy bỏ hoặc cắt giảm. Những người phản đối cho rằng ông Duterte đã sử dụng chủ quyền để đặt cược đổi lấy khoản đầu tư hàng tỉ USD của Trung Quốc nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng lạc hậu của Philippines, nhưng những khoản đầu tư này về cơ bản đã không thành hiện thực.
Ngày 27/1, trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông không nắm được tình hình cụ thể, nhưng ông nhấn mạnh: “Chính phủ Trung Quốc ủng hộ các công ty Trung Quốc đầu tư vào Philippines hợp pháp và theo quy định, mở rộng hợp tác cùng có lợi”. Ông nói “tin rằng phía Philippines sẽ cung cấp một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các công ty Trung Quốc đầu tư và thành lập doanh nghiệp tại Philippines với nguyên tắc công bằng, công minh. Điều này phù hợp với lợi ích chung của cả hai bên”.