Vì sao “ông già gân” – nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffet lại không tin vào Bitcoin?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bitcoin đã dần dần được thế giới tài chính và đầu tư truyền thống chấp nhận trong những năm gần đây nhưng Warren Buffett vẫn giữ lập trường hoài nghi của mình về đồng tiền mã hóa này.
Ông Warren Buffett không tin tưởng vào tiền mã hóa mà cụ thể là Bitcoin
Ông Warren Buffett không tin tưởng vào tiền mã hóa mà cụ thể là Bitcoin

Ông Warren Buffett nói tại cuộc họp cổ đông thường niên Berkshire Hathaway hôm 1 tháng 5 rằng Bitcoin không phải là một tài sản hữu ích và nó không tạo ra bất cứ thứ gì hữu hình. Mặc dù có sự thay đổi trong nhận thức của công chúng về tiền mã hóa, ông già gân Buffett vẫn không mua nó.

“Liệu nó (Bitcoin) tăng hay giảm trong năm tới, hay 5 hay 10 năm nữa, tôi không biết. Nhưng có một điều tôi khá chắc chắn là nó không tạo ra bất cứ thứ gì”, ông nói.

Ngay cả những người đam mê Bitcoin cũng coi tiền mã hóa là một loại tài sản thụ động để đầu tư lâu dài, hy vọng nó sẽ tăng giá. Buffet nhận xét rằng “không có ai” coi Bitcoin là khoản đầu tư ngắn hạn, họ đều nắm giữ nó lâu dài.

Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn, có một vài loại tiền mã hóa có thể giúp họ sử dụng một cách hiệu quả hơn thông qua cho vay hoặc làm tài sản thế chấp, tạo thêm lợi ích cho danh mục đầu tư. Tuy nhiên, những đồng tiền mã hóa đó vẫn còn non trẻ, có tính đầu cơ cao và chưa trở thành xu hướng phổ biến như Bitcoin.

Ông Buffett đã giải thích lý do tại sao mình không nhìn thấy giá trị trong Bitcoin, khi ông so sánh nó với những thứ tạo ra các loại giá trị khác:

“Nếu bạn nói rằng tôi phải trả cho bạn 25 tỉ USD để sở hữu 1% đất nông nghiệp trên toàn nước Mỹ, tôi sẽ ký séc ngay. Nếu bạn mời tôi sở hữu 1% số căn hộ trên khắp đất nước với giá 25 tỉ USD, tôi cũng sẽ ký séc ngay. Nhưng nếu bạn nói với tôi rằng bạn sở hữu tất cả số Bitcoin trên thế giới và mời tôi mua với giá chỉ 25 USD, tôi sẽ không mua. Bởi vì tôi phải làm gì với nó (Bitcoin)? Tôi sẽ phải tìm cách bán lại nó theo cách này hay cách khác. Nó chẳng sinh ra cái gì, trong khi căn hộ có thể tạo ra tiền từ cho thuê hay đất nông nghiệp có thể tạo ra lương thực”.

Các nhà đầu tư trong nhiều năm đã phân vân về cách định giá Bitcoin, một phần vì tiềm năng của nó phục vụ các chức năng khác nhau. Tại các thị trường phương Tây, nó đã được coi là một tài sản (để đầu tư), đặc biệt là trong năm qua khi tỷ giá và lạm phát đang gia tăng. Ở các thị trường khác, mọi người lại thấy nó là một loại tiền số có tiềm năng to lớn.

“Tài sản muốn có giá trị thì nó phải mang lại một thứ gì ý nghĩa cho một ai đó. Và chỉ có một loại tiền tệ được chấp nhận. Bạn có thể nghĩ ra đủ thứ (để đem lại giá trị). Chúng tôi có thể quảng bá cho đồng mã hóa Berkshire chẳng hạn (ông Buffett là Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway), nhưng đây mới là tiền” – ông Buffett giơ tờ 20 USD ra nói – “Không có lý do gì chính phủ Hoa Kỳ lại để đồng Berkshire thay thế tiền của họ”.

Cả Buffett và cánh tay phải của ông là Charlie Munger (Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway) trong quá khứ từng đưa ra những nhận xét không thiện cảm với Bitcoin. Ông Buffett đã nói rằng Bitcoin “có lẽ là bình phương của thuốc diệt chuột”. Còn ông Charlie Munger thì nói rằng Bitcoin có 3 điều xấu: thứ nhất là giá trị của nó có thể giảm về 0; thứ hai là nó có thể phá hoại hệ thống dự trữ liên bang; và thứ ba là nó khiến nước Mỹ trở nên ngu ngốc khi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đủ thông minh để cấm Bitcoin.