Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Hai (1/11) đã đưa ra một thông báo “khuyến khích các gia đình tích trữ nhu yếu phẩm”, làm dấy lên những đồn đoán rằng “hai bên eo biển sắp xảy ra chiến tranh”, dân chúng nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đổ xô đi mua hàng tích trữ. Quan chức Cục Dự trữ Lương thực và vật tư ngày 3/11 vội ra thông báo nhấn mạnh rằng vụ thu hoạch lương thực mùa thu sắp kết thúc và năm nay Trung Quốc được mùa, đảm bảo được cung ứng cho thị trường.
Trong một cuộc phỏng vấn với CCTV hôm 3/11, ông Tần Ngọc Vân, Vụ trưởng Dự trữ Lương thực thuộc Cục Dự trữ Lương thực và Vật tư Quốc gia, cho biết tổng lượng lương thực tồn kho hiện tại là đủ và ở mức cao trong lịch sử, đặc biệt là hai loại ngũ cốc chính lúa mạch và gạo chiếm tỷ trọng vượt quá 70% trong tổng lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, thông báo này vẫn vẫn khó xoa dịu tình trạng căng thẳng trong xã hội ở Trung Quốc.
Bài viết và video trên weibo về tình trạng hoảng loạn mua hàng tích trữ ở các địa phương (Ảnh: Zaobao). |
Theo tin của các cơ quan truyền thông Trung Quốc, đã xuất hiện sự hoảng loạn khi mua hàng hóa ở Trùng Khánh, Trịnh Châu Hà Nam, Thường Châu và Khởi Đông ở Giang Tô, Bạng Phụ An Huy... Khi liên hệ với các siêu thị, người dân và ngành thương mại ở các nơi nói trên, họ xác nhận rằng những ngày qua thực sự có tình trạng người dân đổ xô đi mua sắm tích trữ, nhưng không thấy thiếu vật tư sinh hoạt và nguồn cung bị gián đoạn.
Đáng chú ý, một bài viết lan truyền trên mạng weibo kèm theo hình ảnh video thu hút 1,63 triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn cho biết: các đô thị trong cả nước xuất hiện làn sóng tranh mua; gạo, mì ăn liền và dầu ăn bị vét sạch, có người mua liền 3 tạ gạo, ngành thương mại phải kêu gọi bình tĩnh… Siêu thị có mấy trăm xe chở hàng vẫn không đủ dùng, dòng người chờ thanh toán xếp hàng rồng rắn…Ngành thương mại các địa phương vội vã ra thông báo kêu gọi dân chúng không nên quá căng thẳng, không nên tích trữ hàng hóa, gây nên lãng phí không cần thiết…
Các sạp hàng của một siêu thị bị vét sạch (Ảnh: Mingpao). |
Có ý kiến phân tích cho rằng làn sóng mua hàng hoảng loạn này phản ánh sự nhạy cảm và lo ngại hiện tại của người dân Trung Quốc về làn sóng dịch bệnh lặp đi lặp lại và giá các mặt hàng thiết yếu hàng ngày tăng cao, và một bộ phận người tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện một cuộc tấn công quân sự để thống nhất Đài Loan và Trung Quốc sẽ bước vào tình trạng sẵn sàng chiến tranh.
Việc Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 1/11 ra văn bản khuyến khích các hộ gia đình tích trữ hàng hóa đã làm dấy lên phỏng đoán rằng sẽ “Vũ thống Đài Loan”. Mục đích ra văn bản này được cho là nhằm yêu cầu chính quyền các địa phương dự trữ tốt rau và nhu yếu phẩm hàng ngày trong dịp Tết để đảm bảo nguồn cung thị trường ổn định. Đặc biệt với tình trạng dịch bệnh lặp đi lặp lại và chiến lược phòng chống dịch bệnh "Zero Covid” không khoan nhượng của Trung Quốc, cũng như áp lực tăng giá lương thực, động thái của Bộ Thương mại Trung Quốc là việc thường xuyên. Đối với việc tỉnh Sơn Đông cấp phát túi ứng cứu khẩn cấp cũng không phải là trường hợp đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã cấp túi ứng cứu khẩn cấp Phòng không. Đây là việc thường xuyên của cơ quan Phòng không nhân dân Trung Quốc.
Một khách hàng mua với đống hàng đứng xếp hàng chờ thanh toán (Ảnh: 163.com). |
Phân tích trên cũng đã được xác nhận trong các cuộc giải trình sau đó của Bộ Thương mại và cơ quan Phòng không dân sự.
Một số nhà quan sát chính trị cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần khởi động cơ chế truy cứu trách nhiệm và Bộ Thương mại phải chịu trách nhiệm trong việc gây ra những lo ngại trong xã hội và gây ra biến động về giá cả các mặt hàng thiết yếu hàng ngày. Sự việc này cho thấy một số ngành chức năng ở Trung Quốc thiếu hiểu biết cơ bản về tâm lý xã hội và tình hình kinh tế.
Trong tháng 11, nhiều tỉnh, thành phố ở Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bùng phát trở lại của tình hình dịch bệnh, và tâm lý của công chúng đang dần chuyển từ “cố lên” sang “mệt mỏi”. Đặc biệt, chính phủ Trung Quốc hiện đang thực hiện chính sách "không khoan nhượng" với dịch bệnh, một khi các quan chức địa phương không ngăn chặn được dịch bệnh, họ có thể phải đối mặt với việc bị sa thải. Bí thư đảng ủy một kỳ (đơn vị cấp huyện) ở Nội Mông đã bị cách chức do công tác phòng chống dịch kém. Do đó, các chính sách phòng chống dịch bệnh ở các vùng khác nhau rất nghiêm ngặt. "Phong tỏa thành phố", "trạng thái thời chiến", và "xét nghiệm axit nucleic toàn dân" đã trở thành chuyện thường ngày. Nếu một khu vực xuất hiện dịch bệnh dễ dẫn đến việc dân chúng gặp khó khăn trong việc mua sắm đủ đồ dùng sinh hoạt trong thời gian ngắn. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến Bộ Thương mại ban hành văn bản "Khuyến khích các gia đình tích trữ một số nhu yếu phẩm hàng ngày" lần này.
Chen chúc mua hàng trong một siêu thị (Ảnh: 163.com). |
Tuy nhiên, ngoài việc Bộ Thương mại đã bỏ qua vấn đề lo ngại về dịch bệnh, trong xã hội Trung Quốc hiện nay còn có hai nỗi lo khác.
Nỗi lo đầu tiên là lo ngại giá cả tăng cao.
Mặc dù giá thịt lợn vẫn đang ở mức thấp, nhưng giá rau tại nhiều khu vực của Trung Quốc đại lục đã tăng mạnh kể từ tháng 10. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, giá rau trung bình tại 19 trên 286 chợ đầu mối được kiểm tra từ ngày 15/10 đến ngày 22/10, tăng tới 11,6% so với tuần trước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dõi giá cả thị trường rau tại tỉnh Thiểm Tây cho thấy thị trường 23 loại rau ngày 26/10 tăng 41,26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá than, giá điện và giá nhân công cũng bắt đầu gia tăng. Trung Quốc lại sắp bước vào mùa đông, theo truyền thống là mùa vật tư hàng hóa tương đối khan hiếm và nhu cầu năng lượng tăng cao. Không giống như lạm phát trầm trọng ở Mỹ, mặc dù giá hàng tiêu dùng của Trung Quốc đã bắt đầu đi lên, nhưng thu nhập của người dân nhìn chung vẫn không tăng, thậm chí còn xuất hiện làn sóng thất nghiệp quy mô lớn trong nhiều ngành. Tất cả những điều này đã gây ra tâm trạng lo lắng trong xã hội Trung Quốc.
Nỗi lo thứ hai xuất phát từ dự đoán xảy ra chiến tranh và xung đột ở eo biển Đài Loan.
Điều đáng chú ý là đã có nhiều cuộc đổ xô đi mua hàng ở các vùng khác nhau của Trung Quốc, nhưng thường chỉ giới hạn ở những người già trên 60 tuổi. Bởi vì họ có xu hướng tin vào những tin không chắc chắn trên Internet, họ đã có những kí ức về cuộc sống với nguồn hàng hóa khan hiếm và sẵn sàng đi siêu thị thay vì mua sắm trực tuyến, các video tranh mua hàng lại dễ phát tán trên mạng.
Gạo là mặt hàng được nhiều người mua tích trữ (Ảnh: Weibo). |
Gần đây, nỗi lo ngại cũng được chuyển sang các nhóm trẻ hơn. Một mặt, do tháng 11 là tháng khuyến mãi của các nền tảng mua sắm trực tuyến Trung Quốc nên hầu hết các sản phẩm sẽ được giảm giá. Nhưng cũng có nhiều người tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ quyết định "Vũ thống Đài Loan" và hiện nay đang trong tình trạng động viên chiến tranh.
Dịch bệnh, kinh tế, “Vũ thống Đài Loan”, quan hệ Trung-Mỹ ... hàng loạt vấn đề chồng chất khiến người dân Trung Quốc ngày càng cảm thấy "bấp bênh" về tương lai. Nếu chính phủ Trung Quốc không thể xua tan được tâm lý này, làn sóng tranh mua hoảng loạn sẽ vẫn tái diễn chỉ vì một thông báo.
Tất nhiên, cũng có người cho rằng, có lẽ chính phủ Trung Quốc ngày nay đang muốn "động viên nhân dân" trên một số lĩnh vực nhất định, nhắc nhở họ làm quen với sự "bấp bênh" này để chuẩn bị đón đầu những thay đổi lớn hơn.