Vì sao ngành công nghệ Nhật Bản ngày càng lép vế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhật Bản từng được xem là cái nôi công nghệ, nơi sản sinh ra những sản phẩm đáng tự hào được cả thế giới tin dùng, nhưng đó đã là ánh hào quang của quá khứ.

Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến những thương hiệu lừng danh với tuổi đời cả trăm năm như Sony, Toshiba, Panasonic, Sharp... Thậm chí, đã có thời kỳ người Việt lưu truyền câu nói ‘nét như Sony, phẳng lì như Panasonic’ để nhấn mạnh sự thần kỳ của các sản phẩm đến từ xứ sở hoa anh đào. Nhiều gia đình Việt khi đó còn dùng cả cây vàng để mua tivi, xe máy Nhật, nhằm chứng tỏ sự chịu chơi, độ sành điệu.

Văn hóa làm việc và kỷ luật thép của người Nhật đã giúp các tập đoàn công nghệ nói trên vươn mình mạnh mẽ trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. Nhưng khi công nghệ chuyển dịch trọng tâm từ phần cứng sang phần mềm, các tập đoàn Nhật Bản vẫn giữ thói quen cũ và bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế.

Nhật Bản có kỷ luật làm việc và văn hóa công sở đặc trưng, không có chỗ cho sự phá cách, sáng tạo
Nhật Bản có kỷ luật làm việc và văn hóa công sở đặc trưng, không có chỗ cho sự phá cách, sáng tạo

Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, các ông lớn ngành công nghệ Nhật Bản mới bắt đầu thấm đòn. Nhưng thay vì đối diện xử lý khủng hoảng, một số ông lớn lại chọn cách giấu nhẹm nó đi dẫn tới những bê bối chấn động ở Toshiba, Panasonic và Olympus sau này.

Theo Michael Woodford, người từng là CEO nước ngoài của Olympus và vạch trần gian lận kế toán trị giá 1,7 tỷ USD kéo dài suốt 13 năm ở công ty này, văn hóa sùng bái người cao niên và sự bảo thủ đã khiến người Nhật không chịu thay đổi, dẫu đã bị tụt hậu công nghệ khá xa.

Khủng hoảng buộc nhiều tên tuổi lớn đã phải bán mình để trụ lại ở thời cuộc khó khăn này. Năm 2020, Toshiba hoàn tất việc bán nốt cổ phần ở mảng PC cho đối thủ Sharp và chính thức rút chân hoàn toàn khỏi mảng kinh doanh laptop vốn một thời bá chủ toàn cầu. Thậm chí, chính Sharp trước đó đã phải bán mình cho Foxconn của Đài Loan vào năm 2016 sau nhiều năm vật lộn vì thua lỗ.

Trở lại với Toshiba, tập đoàn 145 năm tuổi này đã phải xé lẻ nhiều mảng kinh doanh cốt lõi như bán mảng đồ gia dụng cho Midea của Trung Quốc và thiết bị y tế cho Canon năm 2016, bán mảng chip nhớ cho một quỹ đầu tư của Mỹ và mảng tivi cho một công ty Trung Quốc vào năm 2017.

Các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Toshiba cúi đầu xin lỗi sau bê bối tài chính bị phanh phui hồi năm 2015
Các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Toshiba cúi đầu xin lỗi sau bê bối tài chính bị phanh phui hồi năm 2015

Một trường hợp khác là thương hiệu lâu đời Sanyo bị đồng hương Panasonic thâu tóm năm 2009. Nhưng chỉ sau vài năm, thương hiệu Sanyo tiếp tục bị bán lại cho một công ty của Trung Quốc và chính thức biến mất hoàn toàn khỏi thị trường.

Một ông lớn khác là Sony tuy vẫn có được sự khởi sắc trong kinh doanh, nhưng tất cả là nhờ mảng game . Tivi Sony hiện đã ở rất xa thời hoàng kim và bị cạnh tranh khốc liệt bởi các hãng tivi đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Sự tụt hậu này đến từ chính phong cách và tư duy cố hữu trong các công ty công nghệ Nhật. Các công nghệ cũ như máy fax, màn hình lồi (monitor), đĩa DVD và thậm chí là Internet Explorer hay giấy viết tay vẫn còn được ưa chuộng tại Nhật, theo Jordy Delage, sống và làm việc ở Nhật từ năm 2005. Vị CEO người Pháp này còn tiết lộ rằng nhiều công ty Nhật Bản có ngân sách cho công nghệ thông tin (IT) rất thấp, thậm chí là không có phòng/ban IT.

Máy fax được dùng ở Nhật Bản từ thập niên 80s, và cho đến mùa dịch Covid-19, các bệnh viện vẫn gửi kết quả qua đường máy fax
Máy fax được dùng ở Nhật Bản từ thập niên 80s, và cho đến mùa dịch Covid-19, các bệnh viện vẫn gửi kết quả qua đường máy fax

Đó là lý do nhiều dự án phần mềm của Nhật thường được khoán ra bên ngoài (outsource). Anh Nguyễn Chí Nguyện (freelancer, Cà Mau) cho biết, website và phần mềm bán hàng nhỏ lẻ ở các siêu thị Nhật mà anh từng làm vài năm gần đây đều rất lạc hậu, vẫn dùng phần mềm từ cả chục năm trước. Anh không chỉ phải làm cả phiên bản riêng hỗ trợ Internet Explorer mà còn phải hỗ trợ dòng điện thoại ‘cục gạch’ (feature phone). Theo thống kê tháng 12/2020, tỷ lệ người Nhật dùng Internet Explorer vẫn chiếm khoảng 4% (cao hơn cả Firefox).

Tình thế này có thể thay đổi trong ngắn hạn nhờ tác động của Covid-19 đến cách thức làm việc của người Nhật. Báo cáo năm 2020 của Nikkei cho thấy 765 tập đoàn Nhật đã lên kế hoạch đầu tư 15,8% vào IT, tương đương 471,8 tỷ Yên (4,45 tỷ USD) để ứng phó với sự chuyển dịch phương thức làm việc.

Cuối cùng, nhiều nước phát triển có thể kỳ vọng vào một sự đón đầu làn sóng công nghệ mới nhờ các startup đầy tham vọng và có tính năng động cao. Tuy nhiên, với chỉ 4 kỳ lân công nghệ hiện có, Nhật Bản vẫn còn ở rất xa so với Trung Quốc và Mỹ, vốn chiếm 70% trong số 500 startup kỳ lân toàn thế giới, theo một thống kê khác của Nikkei năm 2020.

Theo ICTNews