Nói trên Forbes , Jeremy Maxie - Cố vấn Cấp cao về Năng lượng của tổ chức Longview Global Advisors, chuyên gia về địa chính trị và năng lượng ngày 9/5 bình luận rằng, Biển Đông là một câu hỏi hóc búa đối với Nga. Moscow đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn trong việc cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh và Hà Nội.
Tương tự nhận định trên, Stephen Blank - chuyên gia về chính sách đối ngoại - quốc phòng Nga cho rằng, Moscow đang theo đuổi một chiến lược bảo hiểm rủi ro ở Đông Nam Á.
Cho đến nay ngoài Việt Nam, thành công của chiến lược này của Nga khá hạn chế trong khu vực Đông Nam Á. Vị trí vai trò và tư thế của Nga về mặt quân sự ở Đông Nam Á chủ yếu gắn liền với khả năng truy cập và sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh của Việt Nam.
Nga có thể sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa TU-95 hoạt động tại Thái Bình Dương. Jeremy Maxie lưu ý, việc này có thể sẽ không phải là độc quyền cho riêng Nga nữa bởi tình hình có thể đã thay đổi
Nga đang là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của Việt Nam. Theo học giả Ian Storey từ Singapore, Nga cung cấp 90% nhu cầu vũ khí của Việt Nam, bao gồm 6 tàu ngầm Kilo, 6 khinh hạm Gepard, 6 tàu hộ tống Tarantul, 6 tàu tuần tra Svetlyak, 32 chiến đấu cơ Su-30 và các hệ thống tên lửa phòng không. Nga cũng đang tìm cách mở rộng thị trường vũ khí sang Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia.
Ngoài ra, Nga đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng của Việt Nam. Rosatom, công ty năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga thắng thầu năm 2002 trong việc xây dựng 2 lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2023, 2024 và đang bắt đầu triển khai.
Nga hợp tác chặt với Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nhiều năm nay, trong khi không một công ty nào của Nga tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí mà Trung Quốc tuyên bố mời thầu phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 8/2012.
Phản ứng của Nga nếu nổ ra xung đột quân sự ở Biển Đông?
Mặc dù có lợi ích chung trong việc giảm bớt quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương, sự ủng hộ của Nga với các nỗ lực thay đổi hiện trạng đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ vẫn rất hạn chế và thận trọng, đặc biệt là khi các sự kiện tiếp tục leo thang.
Bởi lẽ sự hỗ trợ rõ ràng của Moscow với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về pháp lý, ngoại giao và chiến lược. Sự coi thường của Trung Quốc với UNCLOS - một phương tiện giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải, cũng như nỗ lực của Bắc Kinh hạn chế tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông đang tạo ra rủi ro chiến lược lâu dài cho chính nước Nga.
Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông, Nga chắc chắn sẽ hỗ trợ Trung Quốc bằng cách không biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chứ không phải phủ quyết bất cứ dự thảo nghị quyết nào chống lại Trung Quốc.
Đây chính là cách Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ucraine và phải đối mặt với một dự thảo nghị quyết trừng phạt mà Mỹ đưa ra Hội đồng Bảo an ngày 15/3/2014.
Hơn nữa, gần đây, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã tuyên bố rằng Moscow ủng hộ Trung Quốc chống quốc tế hóa, chống can thiệp vào Biển Đông.
Tuyên bố chống "quốc tế hóa Biển Đông" và chống can thiệp vào Biển Đông từ bên thứ 3 mà ông Lavrov đưa ra rõ ràng nhằm vào Hoa Kỳ và Nhật Bản. Điều này cho thấy, ngoài những toan tính của riêng mình, Moscow muốn thúc đẩy một tầm nhìn chung với Bắc Kinh trong chiến lược quốc tế đa cực, cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Nga không có động cơ can thiệp quân sự vào Biển Đông vì nó sẽ làm loãng sự can thiệp quân sự và ưu tiên chiến lược của Nga trên 2 địa bàn, Ukraine và Syria. Trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông, Nga có khả năng sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải, Jeremy Maxie nhận định.
Còn trong trường hợp Trung Quốc đụng độ với Philippines, nhiều khả năng Moscow sẽ ngồi trên băng ghế dự bị. Ít khả năng Nga tham gia vào một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa Trung Quốc với Mỹ ở khu vực.
Thái độ, lập trường của Nga trên Biển Đông sẽ còn có thể thay đổi phụ thuộc vào phán quyết của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc về yêu sách của Nga với Bắc Cực. Một tuyên bố bất lợi cho Nga có thể khuyến khích Moscow đứng chung hàng ngũ với Bắc Kinh để "viết lại các quy tắc quốc tế" về chủ quyền, quyền lợi hàng hải.
Tuy nhiên Điện Kremlin sẽ phải đánh giá rất thận trọng về tương quan lực lượng trước khi đưa ra bất cứ động thái nào ở Biển Đông hay Bắc Cực, bởi chúng đều có thể để lại hậu quả.
Lê Dũng