Vì sao Nga không thể trở thành siêu cường tiêm kích tàng hình?

VietTimes -- Hiện nay, để tăng cường sức mạnh lực lượng không quân, Nga đổ không ít tiền của vào chương trình phát triển Su-57, nhưng có vậy cũng không đủ để giải quyết những vấn đề hiện hữu của chương tình này. Su-57 vốn là mẫu thiết kế không hoàn thiện, trong khi cơ sở sản xuất lại nhỏ và kém hiệu quả...
Tổng thống Putin từng nói Su-57 là mẫu máy bay quân sự tốt nhất thế giới (Ảnh: AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có màn xuất hiện hoành tráng vào ngày 14/5/2014 khi đến thăm Trung tâm Thử nghiệm bay nhà nước Chakalov 929 ở vùng Astrakhan của Nga. 6 chiếc tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 - một nửa số Su-57 mà hãng Sukhoi đã sản xuất kể từ khi mẫu phi cơ này lần đầu bay thử vào năm 2010 - đã hộ tống chiếc máy bay Il-96 VIP của ông Putin trên hành trình bay từ thủ đô Moscow tới Astrakhan.

Phát biểu trong hôm 15/5/2019, Tổng thống Putin nói rằng Điện Kremlin sẽ mua một số lượng Su-57 trong vòng 8 năm tới. Nếu ông Putin nghiêm túc về điều này và Bộ Quốc phòng Nga giữ vững cam kết, Nga sẽ sớm sở hữu một số lượng đáng kể tiêm kích tàng hình.

Nhưng có đủ lý do để hoài nghi về điều này. Bởi mẫu thiết kế Su-57 vẫn chưa hoàn thiện. Nó thiếu các hệ thống chiến đấu. Sukhoi vẫn chưa thiết lập cơ sở sản xuất hiệu quả cho mẫu tiêm kích này, và Moscow gần như chắc chắn không có đủ tiền để mua một số lượng lớn tiêm kích tàng hình.

Sau nhiều năm phát triển chậm chạp, một động cơ được khởi động và một chỉ thị "triển khai" mang tính hình thức những chiếc máy bay chiến đấu không có khả năng tấn công tới Syria. Đến năm 2018, Điện Kremlin tuyên bố rằng họ sẽ tạm ngừng sản xuất mẫu Su-57 để chờ các phiên bản nâng cấp của Su-57 không tàng hình. Moscow sẽ chỉ mua 16 chiếc Su-57 từ nay cho đến năm 2027, bởi vậy mà lực lượng không quân của họ hiện nay sở hữu không quá 28 tiêm kích tàng hình.

Kinh tế đương nhiên là nguyên nhân cho sự thay đổi kế hoạch này. Nga trong năm 2016 đã chi 70 tỷ USD cho lực lượng vũ trang. Nhưng sự suy giảm kinh tế khiến Nga mất 4% GDP trong năm 2015 đã buộc nước này phải xem xét lại các ưu tiên chi tiêu. "Trong lúc chuẩn bị kế hoạch ngân sách năm 2016, người ta hiểu rõ rằng mức độ chi tiêu như vậy là không thể kéo dài" - phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nêu rõ.

Chính phủ Nga đã cố gắng giảm nhẹ sự ngờ vực xung quanh quyết định ngừng sản xuất Su-57. "Các bạn biết rằng, Su-57 hiện được xem là một trong những mẫu máy bay tốt nhất trên thế giới" - Yuri Borisov, Thứ trưởng Quốc phòng Nga, từng nói - "Bởi vậy, không có lý do gì để đẩy nhanh việc sản xuất hàng loạt mẫu phi cơ thế hệ thứ 5 này".

Quyết định năm 2018 cũng đồng nghĩa với việc lực lượng không quân Nga trong tương lai gần sẽ không thể vận hành đủ số lượng tiêm kích tàng hình cần thiết. Mỹ và Trung Quốc, trong khi đó, đều bắt đầu sản xuất hàng loạt tiêm kích tàng hình và thậm chí còn đang phát triển mẫu máy bay ném bom tàng hình mới.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Putin hứa hẹn sẽ giải quyết sự bất cân đối này. Tuyên bố rằng Sukhoi đã giảm 20% chi phí sản xuất một chiếc Su-57, ông Putin nói Điện Kremlin đến năm 2027 sẽ mua 76 chiếc Su-57 thay vì chỉ 16 chiếc như tuyên bố trước đây. "Tôi hy vọng rằng kế hoạch điều chỉnh này sẽ được thực hiện" - ông Putin nói.

Sukhoi chưa từng công bố chi phí sản xuất một chiếc Su-57, nhưng cần chú ý rằng mẫu tiêm kích tàng hình F-35 do Lockheed Martin của Mỹ chế tạo có giá khoảng 100 triệu USD mỗi phiên bản hoàn thiện. Và hãng này còn sở hữu cơ sở sản xuất, lắp ráp hiện đại, mỗi năm sản xuất thêm được hàng chục chiếc.

Quân đội Mỹ trong những năm gần đây đã mua khoảng 60 - 70 chiếc F-35 mỗi năm, tiền mua rút từ ngân sách quốc phòng hàng năm lên tới 700 tỷ USD của họ. Chi phí để mua số F-35 nói trên chỉ chiếm có 1% tổng ngân sách quốc phòng của họ. Nếu Moscow chi 1% của ngân sách quốc phòng để mua Su-57, thì chỉ đủ để mua 6 chiếc trong tổng số 54 chiếc tiêm kích tàng hình mới vào năm 2027.

Rót tiền cho chương trình Su-57 sẽ không thể giải quyết được các vấn đề hiện hữu của chương trình này (Ảnh: National Interest)

Nhưng đó còn là đánh giá theo hướng tích cực. Trước khi sản xuất được hàng loạt mẫu Su-57 mà không quân Nga có thể thực sự sử dụng trong chiến đấu, hãng Sukhoi cần phải hoàn thành việc phát triển hệ thống chiến đấu của nó, tích hợp các loại vũ khí vào Su-57, mở rộng cơ sở sản xuất, lắp ráp và đào tạo nhân công để chế tạo nó.

Nói nghe có vẻ dễ, chứ để thực hiện lại rất khó. Đơn giản chỉ đổ tiền vào sẽ không có hiệu quả. Chương trình F-35 của Mỹ chưa từng gặp vấn đề về kỹ thuật, công nghiệp và hậu cần trong khi được rót vốn đầy đủ trong suốt 20 năm liền.

Đương nhiên, có thể việc ông Putin được hộ tống bởi 6 chiếc Su-57 và tuyên bố của ông về bản hợp đồng mua số lượng lớn mẫu phi cơ này không thực sự liên quan tới nỗ lực trang bị Su-57 cho không quân Nga. Mà thực tế là nó là một phần chiến dịch tiếp thị để thu hút các các khách hàng quốc tế trong tương lai.

Việc Nga có kế hoạch ban đầu mua Su-57 để trang bị cho không quân nước nhà, cùng việc Ấn Độ quyết định ngừng rót vốn và phát triển chung nhiều mẫu tiêm kích tàng hình với Nga rõ ràng không phải sự trùng hợp.

Nga có thể đang hy vọng thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình Su-57, thay thế vai trò nước cung cấp tài chính lớn của Ấn Độ. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua mẫu F-35 của Mỹ, nhưng Chính phủ Mỹ mới đây đe dọa sẽ chặn thương vụ này do Ankara quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga - hệ thống có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm của tiêm kích tàng hình F-35.

Những bài phát biểu và niềm tin mà ông Putin dành cho mẫu Su-57 có thể chỉ là cách mà ông thuyết phục giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đặt cược vào mẫu tiêm kích tàng hình của Nga. Nhưng rót tiền cho chương trình Su-57 sẽ không thể giải quyết được các vấn đề hiện hữu của chương trình này. Su-57 vốn là mẫu thiết kế không hoàn thiện, trong khi cơ sở sản xuất lại nhỏ và kém hiệu quả. Việc thay đổi nó sẽ không hề nhanh chóng và rẻ mạt.

Theo National Interest