Nên hay không nên bỏ quỹ?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo luật Giá (sửa đổi), trong đó đưa ra nội dung bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Theo đó, Bộ Tài chính đã bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá như hiện hành. Hiện nay thực tế cũng chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì vậy quy định trong dự thảo được thông qua thì quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ bị hủy bỏ.
|
Theo chuyên gia, nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì tác động của quỹ này không làm giảm giá xăng |
Bên cạnh đó, dự thảo điều chỉnh biện pháp đăng ký giá sẽ được thực hiện thường xuyên nhằm tạo kênh thông tin nắm bắt kịp thời các diễn biến về giá để đề xuất chủ trương bình ổn giá trong trường hợp cần thiết. Đồng thời điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá nhằm giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế...
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế đồng tình với quan điểm rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì tác động của quỹ này không làm giảm giá xăng.
Vị PGS cũng phân tích, bản chất của quỹ bình ổn giá xăng dầu là nếu làm tốt thì sẽ ổn định giá, bằng cách thu tiền của người dân khi giá thấp cho vào quỹ và khi giá xăng tăng cao thì dùng tiền đó bù lại. Như vậy, người dân không được lợi gì từ quỹ bình ổn, nghĩa là không được bù chi phí, vì đó chính là tiền của họ trích lập trước rồi chi trả sau.
“Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải thể hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó là làm cho giá xăng ổn định quanh một mức trung bình nào đó, không bị tăng quá sốc hoặc không giảm quá mạnh. Nếu làm tốt sẽ không gây ra cú sốc cho nền kinh tế mỗi khi thị trường có biến động lớn, còn về mặt dài hạn là không làm giảm chi phí xăng dầu cho người tiêu dùng.
Vì vậy, việc bỏ hay không bỏ quỹ bình ổn phải dựa trên mục tiêu của quỹ và xem cách thức vận hành tốt không. Theo đánh giá của tôi trong giai đoạn vừa qua, quỹ này chưa thực hiện tốt việc ổn định giá xăng, trong khi điều đó phụ thuộc nhiều vào dự báo giá xăng dầu thế giới.
Đồng thời, việc trích quỹ chưa có sự nhịp nhàng, khi giá xăng thấp thì xả quỹ, còn lúc giá xăng dầu lên cao lại trích quỹ. Người quản lý quỹ không dự báo được tốt vấn đề này đôi khi dẫn đến nghịch lý như đã nêu, càng làm bất ổn giá xăng chứ không tạo ra sự bình ổn. Do đó, công tác dự báo giá xăng dầu thế giới kém thì không nên duy trì quỹ bình ổn”, vị chuyên gia nói.
Giải pháp hạ nhiệt giá xăng
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam bày tỏ, khi một nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì việc xóa bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu là việc tất yếu. Trên thực tế, ở Việt Nam trước đây đã có nhiều ý kiến đề xuất xem xét xóa bỏ quỹ này. Tuy nhiên, với cơ chế điều hành thị trường xăng dầu của Việt Nam ở thời điểm này thì việc xóa bỏ quỹ bình ổn giá cần phải cân nhắc kỹ. Thực tế xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên Nhà nước muốn quản lý xăng dầu thì phải có công cụ để điều khiển, can thiệp trong trường hợp giá tăng sốc, hỗ trợ điều hành giá tốt hơn.
|
Một số loại thuế đánh vào mặt hàng này cũng không hợp lý, ví dụ thuế tiêu thụ đặc biệt là nên bỏ |
PGS.TS Phạm Thế Anh cũng khuyến nghị, đối với việc có hạ được giá xăng dầu hiện nay hay không, thì phải là câu chuyện có hạ thuế phí hay không? Bởi vì giá xăng dầu trên thế giới đến nay đều tương đối giống nhau, giá cao hay thấp là do đánh thuế nhiều hay ít.
Trong bối cảnh Chính phủ đang đặt mục tiêu trọng tâm vào khôi phục kinh tế và hỗ trợ người dân sau dịch COVID-19, thì giá xăng trong nước tăng cao là không phù hợp. Một số loại thuế đánh vào mặt hàng này cũng không hợp lý. Ví dụ thuế tiêu thụ đặc biệt là nên bỏ, vì không có quốc gia nào đánh loại thuế này vào mặt hàng xăng dầu.
“Ngoài loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ có thể cân nhắc hạ thuế VAT hay thuế nhập khẩu. Đặc biệt với thuế nhập khẩu, khi giá xăng dầu nhập khẩu càng cao thì số tiền tuyệt đối số thu thuế trên mỗi lít xăng dầu càng lớn. Trước đây, nhập khẩu giá xăng gốc khoảng 10.000 đồng/lít xăng, thì thu các loại thuế chỉ khoảng 3.000 -4.000 đồng, nhưng đến nay, giá xăng nhập khẩu đã lên tới hơn 20.000 đồng, mà vẫn áp dụng thuế suất như cũ, thì nó sẽ tiếp tục bị cấp số nhân lên. Do vậy, muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trước tiên phải hạ các thuế suất nhập khẩu, thuế VAT và nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt”, PGS.TS Phạm Thế Anh đề xuất.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm rằng, cần phải có nghiên cứu về những tác động của quỹ bình ổn giá xăng dầu kể từ khi ra đời đến nay. Liệu tác động của quỹ này có thật sự giúp cho người dân trong nước mua được giá xăng rẻ hơn thế giới hay không? Nếu không có nghiên cứu cụ thể mà giờ nói bỏ thì người dân có quyền đặt vấn đề rằng có phải từ trước đến nay quỹ này đã không có tác dụng bình ổn giá xăng dầu?
Vị đại biểu cũng như nhiều chuyên gia khác đã nhiều lần đề xuất Chính phủ cần xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường để giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong tình hình hiện nay, nhằm giúp kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra, tạo điều kiện cho kinh tế hồi phục và phát triển.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính hết quý I/2022, Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm khoảng 170 tỷ đồng. Tại một số DN đầu mối xăng dầu lớn đang bị âm quỹ như: Petrolimex âm 5 tỷ đồng; PVOil âm hơn 1.013 tỷ đồng tính đến ngày 1/6. Mới đây nhất, ngày 13/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Cụ thể giá xăng E5RON92 đã lên mức 31.110 đồng/lít; xăng RON95 32.370 đồng/lít. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng bán lẻ đã liên tục tăng tới 11 lần và thiết lập đỉnh mới.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp