Xăng dầu đắt đỏ chưa từng thấy, hạ nhiệt bằng cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giá xăng dầu đang đắt đỏ chưa từng thấy. Nhưng nó còn có thể đắt hơn nữa. Mục tiêu kiểm soát lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô đang bị đe dọa. Hạ nhiệt giá xăng dầu là mục tiêu cấp bách. Tuy nhiên, hạ bằng cách nào?

Đắt đỏ chưa từng thấy

Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 800 đồng/lít, lên mức 32.370 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít, lên mức 31.110 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu thậm chí còn được điều chỉnh với mức giá tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng/lít. Trong đó, dầu diesel tăng từ mức giá 26.390 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít (tăng 2.630 đồng/lít); Dầu hỏa tăng từ mức 25.340 đồng/lít tăng lên mức 27.830 đồng/lít (tăng 2.490 đồng/lít).

Trong lần điều chỉnh này, cơ quan điều hành dừng trích lập quỹ bình ổn với nhiều mặt hàng, trừ dầu mazut.

Như VietTimes đã thông tin, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tự phá vỡ kỷ lục của chính mình, thiết lập mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Các biện pháp cấp thời

Giá nhiên liệu thiết yếu đắt đỏ chưa từng có đang gây áp lực đặc biệt lớn lên cuộc sống của mỗi người dân, hoạt động của doanh nghiệp, và xa hơn, là đe dọa sự ổn định của cả nền kinh tế. Hạ nhiệt giá xăng dầu là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

Thực tế, các cấp quản lý cũng đang rất sốt ruột trước thực tế này. Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ vừa được ban hành, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Giá bán lẻ các loại xăng dầu liên tiếp phá đỉnh. (Ảnh: Internet)

Giá bán lẻ các loại xăng dầu liên tiếp phá đỉnh. (Ảnh: Internet)

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính thực hiện tích cực, quyết liệt theo thẩm quyền các giải pháp, biện pháp đồng bộ, điều hành để bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, cước phí vận tải, chi phí logistics...

Hiện, một số bộ ngành đã có những hành động bước đầu nhằm giảm bớt áp lực tăng giá nhiên liệu.

Có thể kể đến như Bộ Giao thông vận tải. Bộ này vừa có văn bản yêu cầu các Cục Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam và Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực.

Văn bản yêu cầu các cục chuyên ngành của Bộ nghiên cứu, trường hợp cần giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển; lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng, các cục khẩn trương đánh giá tình hình, tác động của việc giảm mức phí, lệ phí đối với đối tượng nộp phí, lệ phí và ngân sách nhà nước.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị Quyết điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12 để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; điều chỉnh giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12 để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Bộ này cũng đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Giảm thuế có được không?

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận giảm thuế, phí là một giải pháp cần thiết để hạ nhiệt giá xăng dầu. Nhưng vấn đề có nên tiếp tục giảm thuế hay không lại thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, liên quan đến thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Thường vụ Quốc hội chấp thuận, giảm 2.000 đồng/lít, gây hụt thu 24.000 tỷ đồng thu ngân sách. Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 đồng nữa, còn nếu muốn giảm tiếp 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Còn các loại thuế khác như thuế suất thuế nhập khẩu FTA 8% theo lộ trình, thuế VAT 10% hay có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, không là thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động và báo cáo với Chính phủ để trình với Thường vụ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội trình với Quốc hội để có thể yêu cầu giảm thuế trong xăng dầu, từ đó, tác động đến giảm giá xăng dầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những vấn đề về thuế, dù là trách nhiệm của thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Tài chính hay của Chính phủ, của Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội... cũng cần phải đề xuất từ bộ quản lý nhà nước.

Ông lấy ví dụ biểu thuế xuất nhập khẩu trong việc tính giá cơ sở là trách nhiệm của của Chính phủ hay không. Theo đó, thuế nhập khẩu trong tính giá cơ sở không phải khi nào cũng là trách nhiệm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dĩ nhiên, giảm thuế chỉ là một giải pháp đơn lẻ. Muốn hạ nhiệt giá xăng dầu một cách hữu hiệu, cần thực hiện các chính sách đồng bộ. Bởi giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc vào thuế mà còn phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu.

Tổng nhu cầu xăng dầu Việt Nam hiện khoảng 21 triệu tấn, trong đó, sản xuất trong nước 11 triệu tấn, còn lại nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn. Hiện nay, nhà máy Bình Sơn công suất đạt 100% rất tốt nhưng nhà máy Nghi Sơn có sản lượng rất thấp, có những giai đoạn dừng sản xuất. Do đó, đẩy mạnh sản xuất trong nước là biện pháp mang tính căn cơ và lâu dài.

Trách nhiệm không chỉ của liên bộ Công thương - Tài chính

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên có chỉ đạo quyết liệt về đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành hợp lý giá cả mặt hàng xăng dầu.

Chính vì vậy, để có thể điều chỉnh giảm giá xăng dầu là trách nhiệm không chỉ của liên bộ Công thương - Tài chính, mà của cả các bộ, ngành khác, theo đó cần hướng tới các giải pháp khác như: đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách…; các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng dầu…