Vì sao Mỹ quyết chặn thương vụ Trung Quốc thâu tóm Motor Sich - nhà sản xuất động cơ máy bay số 1 Ukraine?

VietTimes -- Hôm 26/8, hai công ty Trung Quốc đã thâu tóm thành công đa số cổ phần của Tập đoàn Motor Sich - nhà sản xuất động cơ máy bay số một của Ukraine và top đầu thế giới. Dù vậy, Mỹ vẫn đang nỗ lực ngăn chặn thương vụ này được hoàn tất.
Bất chấp sự ngăn cản của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton, Trung Quốc đã mua được phần lớn cổ phần của hãng sản xuất động cơ máy bay “Motor Sich” Ukraine . (Ảnh: kyivpost.com)
Bất chấp sự ngăn cản của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton, Trung Quốc đã mua được phần lớn cổ phần của hãng sản xuất động cơ máy bay “Motor Sich” Ukraine . (Ảnh: kyivpost.com)

Theo trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều, trong nỗ lực thâu tóm lần thứ hai, Trung Quốc kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch giành quyền kiểm soát cổ phần của công ty sản xuất động cơ Motor Sich của Ukraine.

Nỗ lực đầu tiên trong năm 2017 đã thất bại do sự can thiệp của Cơ quan An ninh Ukraine; Còn lần này, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đang ra sức ngăn chặn.  

Ông Natoli Mares, Giám đốc quan hệ công chúng của Motor Sich nói rằng mặc dù ông Bolton không chấp thuận, nhưng Công ty cổ phần hàng không Thiên Kiều Bắc Kinh (Beijing Skyrizon Aviation) và Tập đoàn Tín Uy (Xinwei Group) vẫn mua được hơn 50% cổ phần của Motor Sich.

Ông Mares cho biết thỏa thuận này còn phải được Ủy ban chống độc quyền Ukraine phê chuẩn. “Công ty Trung Quốc đã mua được cổ phần. Bây giờ, quyền quyết định thuộc về Ủy ban chống độc quyền của Ukraine. Chúng tôi không biết khi nào quyết định được đưa ra”.

Ông John Bolton đã thất bại trong việc ngăn cản vụ mua bán được coi là gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ này. Ảnh: Đa Chiều
Ông John Bolton đã thất bại trong việc ngăn cản vụ mua bán được coi là gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ này. Ảnh: Đa Chiều

Hôm 24/8, tờ The Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ dẫn nguồn tin cho hay, ông Bolton định ngăn cản việc các công ty Trung Quốc mua lại công ty Ukraine này. Nhà Trắng cho rằng việc mua lại nhà máy này sẽ cung cấp cho Trung Quốc các công nghệ quốc phòng quan trọng. Một phát ngôn viên của chính phủ Mỹ nói rằng sự can dự của ông Bolton vào vấn đề này cho thấy, vụ mua bán này đã ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Theo WSJ, một nhóm các công ty Trung Quốc đang tìm cách mua lại Motor Sich Ukraine. Báo dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ giấu tên cho biết, ông Bolton rất quan tâm và can dự vào vụ giao dịch này cho thấy tầm quan trọng của vụ thỏa thuận đối với cơ quan an ninh quốc gia Mỹ.

Hội đồng An ninh Quốc gia và Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đang sắp xếp để ông Bolton gặp Giám đốc điều hành của Motor Sichtại Kiev vào tuần tới khi ông Bolton dự định tham dự một hội nghị an ninh khu vực ở đây.

Các chuyên gia của Motor Sich đã giúp Trung Quốc nghiên cứu mô phỏng và chế tạo các loại động cơ dựa trên mẫu động cơ của Nga. Ảnh: Đa Chiều
Các chuyên gia của Motor Sich đã giúp Trung Quốc nghiên cứu mô phỏng và chế tạo các loại động cơ dựa trên mẫu động cơ của Nga. Ảnh: Đa Chiều

“Chúng tôi dự định thảo luận về tham vọng của Trung Quốc đối với Ukraine và quan điểm của chúng tôi về mục đích động thái của Trung Quốc. Tất cả những điều này đều liên quan đến an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng. Đây là sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc” - một quan chức giấu tên của chính phủ Mỹ nói.

WSJ viết, Ukraine là đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực và năm nay họ đã nhận được 250 triệu USD viện trợ quân sự từ Mỹ.

Tuy nhiên có vẻ ông Bolton đã chậm chân, hoặc người Ukraine đã bỏ qua ý kiến của phía Mỹ khi họ đã để cho hai công ty Trung Quốc mua được đa số cổ phần của Motor Sich.

Công nghệ quân sự Motor Sich nắm giữ khiến Trung Quốc thèm muốn

Motor Sich là nhà sản xuất động cơ độc quyền cho tất cả các loại máy bay trực thăng dòng “Mi” do Liên Xô và Nga chế tạo. Năm 2014, Nga mới có thể sản xuất trong nước một phiên bản nâng cấp của động cơ sê-ri TV3-117 dùng cho máy bay trực thăng quân sự Nga. Mặc dù vậy, Motor Sich vẫn là nhà cung cấp động cơ chủ yếu cho rất nhiều máy bay trực thăng dòng “Mi” và “Ka” được sử dụng trên toàn thế giới.

Motor Sich là nhà máy duy nhất sản xuất động cơ D-136 cho máy bay trực thăng hạng nặng Mi-26. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc (PLA) và một số công ty xây dựng dân dụng Trung Quốc vẫn đang sử dụng hơn 400 máy bay trực thăng Mi-8, Mi-17, Mi-171, Ka-28, Ka-31 và Ka-32.

Ông Vasily Kashin, chuyên gia quân sự người Nga chỉ ra rằng Motor Sich đã chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ đại tu các động cơ sê-ri TV3-117, vì vậy Trung Quốc có thể kéo dài tuổi thọ của chúng.

Một khi Trung Quốc nắm được quyền kiểm soát nhà sản xuất động cơ Ukraine, sẽ đơn giản hóa và tiết giảm được rất nhiều chi phí bảo trì cũng như nâng cấp cho đội máy bay trực thăng khổng lồ của họ. Kiểm soát được việc thiết kế và sản xuất động cơ có một tầm quan trọng rất lớn đối với Trung Quốc vì vậy.

Trực thăng quân sự Mi-26TV2 quân dụng lớn nhất thế giới hiện nay sử dụng động cơ của Motor Sich chế tạo. Ảnh: Đa Chiều
Trực thăng quân sự Mi-26TV2 quân dụng lớn nhất thế giới hiện nay sử dụng động cơ của Motor Sich chế tạo. Ảnh: Đa Chiều

Motor Sich còn sở hữu khả năng sản xuất loại động cơ phản lực R95-300 có thời gian hoạt động ngắn, dùng cho nhiều loại tên lửa hành trình tốc độ cận âm khác nhau, bao gồm cả tên lửa hành trình tầm trung. Công ty này cũng nắm trong tay kinh nghiệm phong phú về sản xuất các loại động cơ dùng cho máy bay vận tải, bao gồm sản xuất động cơ D-18T cho loại máy bay vận tải hạng nặng An-124.

Trung Quốc rất cần những điều ấy cho các dự án quân sự hiện tại. Mảnh ghép Motor Sich sẽ giúp PLA tận dụng hết tiềm năng công nghệ hiện có của nó và các hồ sơ kỹ nghệ từ thời Liên Xô.  

Theo đài truyền hình Nga “Russia Today” ngày 25/8, Motor Sich là một công ty của Ukraine chuyên sản xuất động cơ và tua-bin khí công nghiệp cho máy bay cánh cố định và trực thăng. Sản phẩm của họ được bán cho hơn 100 quốc gia, nhưng chủ yếu là cho Nga. Sau khi mối quan hệ Nga - Ukraine xấu đi vào năm 2014, công ty đã đình chỉ tất cả các hợp đồng của Nga và lâm vào tình cảnh khó khăn.

The Wall Street Journal ngày 24/8 thông tin, kể từ những năm 1990, các sản phẩm của Motor Sich đã được bán cho Trung Quốc. Nhiều năm qua, Motor Sich đã thuê khoảng 20.000 nhân viên và trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Ukraine.

Sau khi hoạt động kinh doanh của công ty bị tê liệt vào năm 2014, Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Hàng không Thiên Kiều Bắc Kinh bắt đầu mua lại cổ phần của Motor Sich.

Động cơ WS-15 dùng cho tiêm kích J-20 thế hệ mới. Ảnh: Đa Chiều
Động cơ WS-15 dùng cho tiêm kích J-20 thế hệ mới. Ảnh: Đa Chiều

Motor Sich sẽ đối mặt với số phận bi thảm nếu nỗ lực ngăn chặn của Mỹ thành công?

Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và Ukraine từng bị chính phủ Ukraine điều tra.

Theo Russia Today, hồi tháng 9/2017, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine đã nghi ngờ Tổng giám đốc Bogusrayev của Motor Sich “bán trái phép 56% cổ phần của công ty cho các nhà đầu tư Trung Quốc”. Nghi ngờ rằng người nắm giữ mới “sẽ hủy hoại công ty và đưa công nghệ ra nước ngoài”, tòa án Ukraine đã đóng băng vụ mua bán đó. Motor Sich khi ấy đã phủ nhận tất cả các cáo buộc và nói họ là một công ty cổ phần tư nhân.

Tháng 4/2018, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine bất ngờ lục soát nhà máy của Motor Sich. Ủy ban chống độc quyền Ukraine cũng mở một cuộc điều tra về vụ mua lại này và nói chỉ có việc những người mua Trung Quốc đồng ý tặng 25% cổ phần của công ty cho tập đoàn quốc phòng Ukraine. Sau đó, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã chấp thuận thương vụ.

“Hiện nay, vụ giao dịch này thuộc trách nhiệm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine và người đứng đầu từ chối đưa ra bình luận”, WSJ viết.

Trong mắt truyền thông Mỹ, việc mua lại Motor Sich mang ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc.

WSJ dẫn lời quan chức chính phủ Mỹ nói rằng người Trung Quốc khát khao sản xuất được các máy bay hạng nặng. Vấn đề lớn nhất cản trở tham vọng này - là động cơ - giờ đây có thể được giải quyết bởi các kỹ sư của Motor Sich.

“Chúng ta sẽ ngăn chặn người Trung Quốc làm chủ công nghệ này càng sớm càng tốt”, quan chức Mỹ nói.

Tin tức báo chí cho biết, cá nhân ông John Bolton rất sốt sắng trong việc thay đổi tiến trình thương vụ.

Theo một nguồn tin, trong số các giải pháp khả thi khác nhau, chính phủ Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân, bao gồm Tập đoàn Đầu tư nước ngoài (OPIC). Công ty này chịu trách nhiệm nắn dòng vốn tư nhân và công cộng để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. Vào ngày 1/10 tới, OPIC sẽ được đổi thành Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ. Một phần trong ý tưởng của công ty này là chống lại sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc.

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc sử dụng động cơ AI-222-25F do Motor Sich cung cấp. Ảnh: Đa Chiều
Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc sử dụng động cơ AI-222-25F do Motor Sich cung cấp. Ảnh: Đa Chiều

Russia Today ngày 25/8 dẫn lời ông Bogodan Bezipalikov, thành viên của Hội đồng quan hệ quốc tế trực thuộc Tổng thống Nga, cho biết việc Washington ngăn chặn vụ giao dịch không chỉ cho thấy Kiev hoàn toàn thiếu độc lập, mà còn thể hiện Mỹ can thiệp vào vấn đề nội bộ của Ukraine và Trung Quốc.

Ông nói, trong tình hình hiện tại, hành vi này của Mỹ không khiến người ta ngạc nhiên. Sự can thiệp của Mỹ vào các quốc gia khác đã trở thành một thông lệ và họ coi Trung Quốc là kẻ thù chính của mình. Vị chuyên gia này nói, ông Bolton yêu cầu Ukraine từ chối vụ giao dịch này nhưng lại không cung cấp bất kỳ sự “báo đáp” nào cho Ukraine.

Ông Bezipalikov nói, nếu Bolton ngăn chặn thành công vụ mua bán, rất có thể là Motor Sich sẽ phải đối mặt với số phận rất bi thảm. Bởi vì cả người châu Âu và người Mỹ đều không cần một công ty có thể cạnh tranh với các sản phẩm của chính họ. “Nếu Trung Quốc, Nga hoặc Ấn Độ không được phép mua cổ phiếu của công ty này, thì công ty sẽ chỉ đối mặt với cái chết” - ông nói./.

 Theo Đa Chiều, Sina