Đó là trường hợp của Công ty TNHH Côn Đảo Resort (Côn Đảo Resort) - chủ đầu tư dự án Six Senses Hideaway ConDao tại Bãi Đất Dốc, thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Six Senses Côn Đảo). Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2004 với nguồn vốn đến từ nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Condur Resorts Limited (British Virgin Islands).
Đến năm 2011, Côn Đảo Resort có nhu cầu mở rộng dự án và được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận.
Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 của phần mở rộng dự án Six Senses Côn Đảo, ký kết hợp đồng cho công ty thuê đất đối với khu đất thực hiện phần mở rộng của dự án theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê và ban hành Quyết định số 2143/QĐ-UBND ngày 10/10/2012 về việc phê duyệt giá đất để tính tiền thuê đất cho khu đất này.
Tới ngày 9/11/2012, căn cứ theo thông báo nộp tiền thuê đất số 127/2012/CCT ngày 26/10/2012 (Thông báo số 127) của Chi cục thuế Huyện Côn Đảo, công ty đã nộp đầy đủ số tiền thuê đất là 4.416.003.096 đồng vào ngân sách Nhà nước.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, Côn Đảo Resort đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho phần đất mở rộng thực hiện dự án.
Tuy nhiên, nhiều năm sau, ngày 3/10/2018, Côn Đảo Resort bất ngờ nhận được công văn số 846/CCT-QLTT của Chi cục thuế Côn Đảo đề nghị nộp tiền thuê đất theo kiến nghị của Thanh tra Chính Phủ với số tiền là 29.705.034.658 đồng do việc tính tiền thuê đất sai.
Nhiều lần bị cơ quan thuế "thúc" nộp tiền, ngày 29/4/2019, công ty đã gửi đơn cứu xét tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng kính gửi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Tổng thể khu resort Six Senes Côn Đảo (Ảnh: Internet) |
Rủi ro không lường trước
Trong đơn, Côn Đảo Resort khẳng định hoàn toàn không đồng ý với việc yêu cầu nộp tiền truy thu thuế và đánh giá đây là rủi ro mà công ty không lường trước được.
Theo chia sẻ từ phía công ty, trong vòng hơn 10 năm kể từ năm 2004, chi phí đầu tư và đặc biệt là chi phí xây dựng dự án đã phát sinh cao hơn rất nhiều so với mức dự kiến của Côn Đảo Resort.
Cụ thể, ban đầu công ty đăng ký tổng vốn đầu tư là 4,5 triệu USD. Tuy nhiên, tình hình thiếu thốn về cơ sở vất chất tại Côn Đảo và khó khăn trong giao thông đã khiến chi phí đầu tư tăng vọt. Đến năm 2010, thời điểm hoàn tất giai đoạn 1 của dự án, tổng vốn đầu tư đã được điểu chỉnh lên mức 25 triệu USD. Và đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư được đăng ký lên 40 triệu USD, gấp gần 10 lần so với ban đầu.
“Dưới góc độ của nhà đầu tư thực hiện dự án, tiền thuê đất là một trong các yếu tố cấu thành chi phí đầu tư và đã được Công ty cân nhắc tại thời điểm quyết định đầu tư nhằm đảm bảo việc thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Nếu tiền thuê đất phải nộp theo Thông báo 127 không phải là 4.416.003.096 đồng mà là một con số lớn hơn nhiều, rất có thể Công ty đã không quyết định thực hiện mở rộng Dự Án tại thời điểm đó” - văn bản nêu rõ.
Mặt khác, đất mở rộng thêm theo quy hoạch có mật độ xây dựng rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 2,84% trên tổng diện tích. Ngoài ra, Côn Đảo Resort cũng tỏ ra lo ngại việc truy thu thuế sẽ trở thành tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam.
Côn Đảo Resort nêu rõ 4 lý do không đồng ý với yêu cầu nộp thêm tiền thuê đất truy thu của Chi cục thuế Huyện Côn Đảo và Thanh tra Chính Phủ
|
Vì vậy, Côn Đảo Resort đề nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rút lại yêu cầu thu thêm tiền thuê đất và xác nhận rằng công ty đã hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền thuê đất từ ngày 09/11/2012. Công ty cũng đề xuất được chấp nhận tạm thời không đóng tiền thuê đất truy thu cho đến khi vụ việc được giải quyết.
Trong trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, Côn Đảo Resort cho biết sẽ dành quyền yêu cầu giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp quy định tại Hiệp định về Thúc đẩy và Bảo hộ Đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Australia ký ngày 5/3/1991.
Tổng Cục thuế phản hồi
Trước khi gửi đơn cứu xét, ngày 28/11/2018, Chi cục Thuế đã có buổi làm việc với doanh nghiệp. Tại buổi làm việc, Côn Đảo Resort đã trình bày những khó khăn, nhấn mạnh những bức xúc của nhà đầu tư nước ngoài đối với việc truy thu bổ sung tiền thuê đất trong khi đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ tài chính từ gần 10 năm trước.
“Tuy có ghi nhận ý kiến của công ty trong biên bản làm việc ngày 28 tháng 11 năm 2018 nhưng sau đó Chi Cục thuế không có bất kỳ một văn bản chính thức nào giải quyết thỏa đáng những ý kiến của Công ty mà chỉ tiếp tục gửi các thông báo đề nghị nộp tiền thuê đất truy thu cho Công ty” - Côn Đảo Resort phản ánh.
Theo tìm hiểu của VietTimes, tới ngày 5/8/2019, Tổng Cục thuế đã có văn bản số 3053/TCT-CS phản hồi ý kiến về việc truy thu thuế của Côn Đảo Resort.
Cơ quan này cho biết, ngày 26/3/2018, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Kết luận số 404/KL-TTCP về công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và đầu tư xây dựng cơ sở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thời kỳ 2011-2016).
Văn bản của Tổng Cục thuế trích dẫn lại trang 10 trong kết luận của TTCP nêu rõ: "UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt các đơn giá khác nhau cho cùng một mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có cùng vị trí, cùng thời hạn sử dụng đất, trên cùng một thửa đất, vi phạm điểm b, Khoản 1,Điều 56 Luật Đất đai 2003, gây thất thoát Ngân sách Nhà nước số tiền 36.605.570.462 đồng". Trong đó, TTCP kiến nghị truy thu số tiền 29.705.034.658 đồng đối với công ty Côn Đảo Resort.
"Do đó, cơ quan thuế phải thông báo và thực hiện truy thu theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ" - văn bản cho biết. Ngoài ra, Tổng Cục thuế cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường tiếp tục cập nhật và báo cáo giải trình nội dung kiến nghị của công ty để báo cáo TTCP./.