Sau khi Mỹ đưa ra những quy định mới về việc cấm các thiết bị điện tử lên cabin máy bay, mới đây Anh cũng đã công bố các thông tin cấm tương tự. Điều này đang khiến nhiều người phải suy nghĩ về các mối lo ngại an toàn của các thiết bị điện tử, một số chuyên gia đã đặt ra câu hỏi liệu lệnh cấm trên có tăng thêm tính an toàn cho hành khách hay không?
Những quy định trên càng khiến mọi người nghi ngại về tính an toàn hàng không, khi các nhà chức trách lo lắng những rủi ro kỹ thuật như hàng hóa chạy pin lithium có thể gây hỏa hoạn, và các biện pháp án toàn chống lại những hư hỏng hay tử vong do các cuộc tấn công chủ ý.
Hôm qua (21/3), Mỹ tuyên bố cấm các thiết bị điện tử lên khoang hành khách của những chuyến bay bay từ 10 sân bay ở 8 quốc gia Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi.
Chính phủ của ông Trump nói rằng hành khách đi từ những sân bay này không thể mang theo các thiết bị điện tử nào lớn hơn smartphone, như là tablet, đầu máy DVD, laptop, camera vào cabin hành khách. Thay vào đó, họ phải đưa những thiết bị này vào phần hành lý. Theo các quan chức Mỹ, lệnh cấm nhằm ngăn chặn mọi ý định dấu những thiết bị gây cháy nổ trong các thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, Matthew Finn, giám đốc tại hãng tư vấn an ninh Augmentiq, nói rằng việc đặt các thiết bị đó trong khoang hành lý, chứ không phải trong cabin, chẳng có ý nghĩa gì. Đó là vì những thiết bị có thể cháy nổ này vẫn có thể được kích hoạt qua nhiều cơ chế, như là qua một chiếc điện thoại nhỏ nằm trong cabin.
Bruce Schneier, chuyên gia công nghệ bảo mật và là giảng viên tại trường Đại học Harvard, không đồng ý. “Bắt buộc để các thiết bị này trong phần hành lý sẽ khiến bọn khủng bố khó khăn hơn, vì chúng phải thiết kế một cơ chế tự động chứ không thể tự làm bằng tay”, ông nói.
Năm 2016, Tổ chức hàng không dân sự quốc tế (ICAO) của Mỹ đã cấm vận chuyển pin lithium-ion như là hàng hóa trên các máy bay chở khách. Laptop sẽ bị kiểm tra đặc biệt tại an ninh sân bay, nhưng các thiết bị cá nhân hiện vẫn được phép mang lên cabin, ngoại trừ Samsung Galaxy Note 7.
Thực ra, máy tính xách tay bắt đầu bị “soi” kỹ kể từ khi có vụ nổ bom tự sát trên chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Daallo Airlines (Somali) và chuyến bay buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Mogadishu hồi tháng 2/2016.
Kẻ đánh bom đã bị bắt và nhiều thông tin cho biết vụ việc xảy ra vì một thiết bị chứa trong chiếc laptop mà hành khách đã mang lên máy bay.
Các quan chức Mỹ nói các tổ chức như Al Qaeda rất nổi tiếng về thiết kế bom sáng tạo, gồm cả việc dấu bom trong các máy tính xách tay.
Tuy nhiên, nhiều băn khoăn vẫn nổi lên. “Lệnh cấm chỉ nhằm đến một số hãng hàng không ở một số nước, như thế sẽ không bảo vệ được hành khách khỏi các mối đe dọa khủng bố”, Ruben Morales, giám đốc an toàn của Hong Kong Airlines, nói. “Ngày nay các hãng hàng không kết nối chặt chẽ với nhau qua các liên minh và thỏa thuận chia sẻ. Không gì ngăn cản hành khách mang thiết bị điện tử lên những chuyến bay không trực tiếp đến Mỹ từ những nước ngoài lệnh cấm”.
Các chuyên gia hàng không cấp cao cũng bày tỏ lo ngại về lệnh cấm. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho biết đang làm việc với các thành viên hãng hàng không và chính quyền ông Trump để hiểu rõ hơn các yêu cầu mới này.
Và đã có ít nhất một hãng hàng không tìm cách xoa dịu hành khách khi họ không được mang theo thiết bị điện tử trên những chuyến bay kéo dài tới 16 giờ.
“Ai cần đến laptop? Hãy để chúng tôi giúp bạn giải trí”, hãng hàng không của tiểu vương quốc Ả Rập viết trên Twitter, nhằm nỗ lực quảng bá cho hệ thống giải trí trên máy bay của họ.
Theo Strait Times