Mua iPhone nhận gạch đá không phải câu chuyện mới, nhưng thời gian gần đây dư luận lại nổi sóng vì những trường hợp mua đồ đạc giá trị nhận phải cục đá, miếng sắt. Từ đây, không ít độc giả thắc mắc tại sao các nước như Mỹ không cần chính sách đồng kiểm nhưng vẫn có thể kiểm soát hiệu quả việc giao hàng.
Trước hết, điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất là việc mua hàng ở các sàn thương mại điện tử Mỹ đều áp dụng hình thức trả trước. Và thông thường, khoản thanh toán này đều được hoàn trả (refund) rất dễ dàng nhờ chính sách ưu tiên cho người mua. Chẳng hạn với các món hàng được bán và vận chuyển bởi Amazon, khi người dùng nhận được gạch đá, họ chỉ việc hoàn trả lại đúng gói hàng (cân nặng và bao bì) là sẽ được hoàn tiền về thẻ tín dụng trong vòng 3-5 ngày làm việc.
Amazon thường trừng phạt nặng nề người bán mà không cần cung cấp bằng chứng |
Thời gian hoàn tiền là khác nhau với các loại thẻ khác nhau nhưng nhìn chung với các mặt hàng FBA (Fulfillment by Amazon), tức được lấy tại kho của chính Amazon, người tiêu dùng được bảo đảm tuyệt đối trong việc nhận và trả hàng. Thậm chí, ngay cả khi lỗi ở người tiêu dùng, Amazon vẫn quy trách nhiệm cho người bán (seller) và trừng phạt họ rất nặng nề. Tiền hàng bị giữ lại vì vi phạm chính sách, dẫn tới người bán không dám mạo hiểm lừa dối khách hàng.
Đó là câu chuyện về các mặt hàng FBA, vậy còn những thương nhân bán hàng trên chợ (Marketplace) thì sao? Lúc này, người tiêu dùng liệu có ở thế yếu? Câu trả lời vẫn là không. Amazon quản lý rất chặt chẽ những đánh giá (review) sản phẩm và sản phẩm chỉ cần nhận những đánh giá 1-2 sao liên tục trong thời gian ngắn, người bán sẽ gặp rắc rối to.
Ngay cả khi Amazon làm ngơ với những đánh giá 1-2 sao này, người Mỹ vẫn có đủ cách để đòi lại công bằng bởi Hoa Kỳ có khoảng 5 đạo luật bảo vệ người tiêu dùng với 8 quyền lợi cơ bản. Đó là ở cấp độ liên bang, ở mỗi tiểu bang lại có những đạo luật riêng mà các sàn thương mại điện tử cần tuân thủ khi ship hàng đến người mua ở nơi đó.
Kho hàng ở Mỹ kiểm soát an ninh rất gắt gao. |
Vì thế ở Mỹ, thay vì người tiêu dùng sợ bị lừa, chính người bán hàng mới là những người sợ bị lừa (scam). Bởi lúc này người bán phải đau đầu đối phó với những người tiêu dùng thừa thông minh và các cơ quan thực thi pháp luật cùng hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng luôn đứng về phía người mua.
Cuối cùng, như đã biết, điều kiện làm việc trong các kho hàng ở Amazon là hết sức ngặt nghèo. Người lao động phải làm việc không ngừng nghỉ trong 10-12 tiếng mỗi ngày, có thiết bị đeo tay để đo đạc thời gian làm việc trên mỗi đơn hàng, kiểm tra an ninh trước và sau khi kết thúc ca làm việc.
Điều tương tự cũng diễn ra với Walmart hay dịch vụ chuyển phát của Bưu chính Hoa Kỳ (USPS), nên gian lận một cách cố ý là rất khó xảy ra. Do đó, chuyện mua hàng ở Mỹ không cần thiết phải bao gồm đồng kiểm, bởi mọi công đoạn đã có sự tự động hóa và tham gia rất cao của máy móc.
Theo ICTNews