Căng thẳng giữa Bắc Kinh và khối liên minh tình báo này - bao gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand - đã gia tăng nhanh chóng trong những tháng gần đây, không chỉ bởi mối quan hệ đã xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn do hàng loạt vấn đề khác, từ công nghệ, thương mại cho đến tư tưởng hệ.
Bắc Kinh đã cáo buộc các nước thành viên Five Eyes là câu kết với Mỹ để vây hãm Trung Quốc, chỉ trích Australia - vì đứng ra kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm làm rõ nguồn gốc của virus corona chủng mới - và Canada vì bắt giữ một lãnh đạo của tập đoàn công nghệ lớn của nước này (Huawei) để dẫn độ tới Mỹ.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Bắc Kinh đã rất phẫn nộ khi Ngoại trưởng của Anh, Australia, Canada và Mỹ đưa ra tuyên bố chung liên quan tới dự luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc định áp dụng với Hong Kong, làm dấy lên nhiều quan ngại sẽ làm xói mòn sự tự do và quyền tự trị của thành phố này.
Mặc dù New Zealand không tham gia, nhưng Bộ Ngoại giao nước này nói họ "chia sẻ những mối quan ngại sâu sắc với các nước dân chủ trong tuyên bố của họ". Bắc Kinh không hài lòng về điều này, và cho rằng Mỹ lôi kéo các nước khác trong nỗ lực vây hãm sự trỗi dậy của họ.
Tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - trong một bài viết đăng tải hôm thứ Ba tuần này nói rằng, sau khi Bắc Kinh tuyên bố về dự luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, "Mỹ đã đi quá xa khi điều động liên minh Five Eyes chỉ trích chính phủ Trung Quốc" vì vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh về Hong Kong, ký năm 1984.
Five Eyes có khởi nguồn từ Thế chiến II, được xây dựng dựa trên một thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo nước ngoài giữa Mỹ và Anh. Vào năm 1955, mạng lưới tình báo này được mở rộng trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang nóng dần, trong đó kết nạp thêm Canada, Australia và New Zealand.
Năm 2013, cựu nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Edward Snowden tiết lộ một số tài liệu mật với giới truyền thông về những chương trình do thám toàn cầu mà Five Eyes vận hành, trong đó anh mô tả liên minh này như một "tổ chức tình báo siêu quốc gia không chịu ảnh hưởng bởi luật pháp của những nước sở tại".
Những tài liệu rò rỉ này cho thấy hoạt động thu thập và chia sẻ dữ liệu trong đó bao gồm cả những đoạn hội thoại hàng ngày của thường dân, cũng như của các chính trị gia có tiếng như Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Trong lúc Bắc Kinh bắt đầu nhận một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, các quốc gia thành viên Five Eyes không chỉ chia sẻ thông tin tình báo với nhau mà còn phối hợp lên kế hoạch chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc. Năm 2018, Reuters đưa tin mạng lưới tình báo này hợp tác với Đức và Nhật Bản để thiết lập liên minh đối phó với Trung Quốc, trong đó bao gồm các chiến dịch tăng tầm ảnh hưởng cùng các khoản đầu tư.
Đầu năm nay, Five Eyes đã tham gia một diễn đàn Bộ Tư lệnh không gian Mỹ, như một phần của kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực không gian. Và hồi tuần trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison tiết lộ rằng đã có những cuộc đối thoại về chính sách kinh tế "thường xuyên" giữa Bộ trưởng Tài chính các nước Five Eyes trong bối cảnh dịch COVID-19.
Cuộc đối đầu chiến lược tăng dần giữa Trung Quốc và Mỹ cũng kéo theo sự căng thẳng gia tăng dần giữa Bắc Kinh và các thành viên khác của Five Eyes. Nhóm này ủng hộ lời kêu gọi điều tra quốc tế nhằm làm rõ nguồn gốc virus corona chủng mới và ủng hộ Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ Bắc Kinh.
Tiếp nối sau việc Canberra kêu gọi tổ chức cuộc điều tra, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều cảnh báo về việc du lịch hoặc học tập ở Australia, và áp đặt nhiều giới hạn với thịt bò và đại mạch của Australia xuất sang Trung Quốc.
Canada, trong khi đó, vẫn đang căng thẳng với Trung Quốc liên quan tới vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu, cùng vụ bắt giữ 2 công dân Canada ở Trung Quốc - được xem là động thái trả đũa của Trung Quốc.
Vào ngày 12/6, một bài bình luận đăng tải trên Xiakedao, một tài khoản mạng xã hội được phiên bản nước ngoài của Nhân dân Nhật Báo, nói rằng Mỹ sử dụng Five Eyes để kiểm soát các đồng minh, sau đó sử dụng những nhóm như G7 và NATO để kiểm soát toàn thế giới.
"Đi theo nước Mỹ một cách gần gũi có thể mang lại một số lợi ích, nhưng không có nghĩa rằng không có cái giá phải trả" - bài viết có đoạn.
Quan ngại của các nước phương Tây về Trung Quốc cũng tăng. Giới chính trị gia ở Australia, Canada, mỹ, Nhật Bản, Đức và các nước khác đã thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc trong đầu tháng 6 để phối hợp đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia về chính sách của Anh có tên Henry Jackson Society hồi tháng 5 cảnh báo rằng 5 cường quốc đã phụ thuộc một cách chiến lược vào Trung Quốc trong 831 danh mục hàng hóa, trong đó bao gồm các ngành công nghiệp quan trọng như truyền thông, năng lượng, hệ thống giao thông và công nghệ thông tin.
Báo cáo thúc giục các nước trên tìm cách tách khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia "tuân thủ luật lệ", nói rằng: "Trên cơ sở chia sẻ thông tin tình báo, khả năng hợp tác quân sự và quan hệ lịch sử giữa 5 nước, họ có thể mở rộng quan hệ hợp tác sang những phần lớn hơn của thế giới, nơi tồn tại sự văn hóa chia sẻ kinh tế và tài chính".
Timothy Heath, một chuyên gia nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại tập đoàn Rand chuyên nghiên cứu chính sách, nói rằng Bắc Kinh chủ yếu quan ngại rằng Five Eyes sẽ đưa ra một quan điểm chung về việc hạn chế Huawei - tập đoàn có thể gây "ảnh hưởng đáng kể" đối với các đồng minh của Mỹ cùng các đối tác ở châu Âu và trên toàn cầu.
Về phần mình, Trugn Quốc đã tìm cách gây chia rẽ 5 nước về quan điểm của họ với Huawei, trong đó Anh và New Zealand là dễ bị ảnh hưởng nhất, mặc dù có rủi ro rằng chiến thuật này có thể phản tác dụng; ông Heath nói.
"Vấn đề quan trọng ở đây là liệu Five Eyes có đưa ra được quan điểm chung hay sẽ bị chia rẽ" - ông nói.
Theo vị chuyên gia, mặc dù 5 nước thuộc Five Eyes ngày càng quan ngại về hành vi của Trung Quốc, nhưng sự hợp tác giữa họ chủ yếu là về lĩnh vực tình báo chứ không phải việc chia sẻ một chiến lược chung để đối phó với Trung Quốc, trong khi ít nước ủng hộ việc Mỹ đặt hàng rào thuế quan và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
"Trong một vài vấn đề, họ có sự thống nhất, như ngờ vực về Huawei, sự phản đối những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay chỉ trích hành vi đe dọa và kiểu ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có sự nhất trí về hướng tiếp cận tốt nhất để đối phó với các chính sách của Trung Quốc" - ông Heath nói.
(Theo SCMP)