Vì sao K+ dù lỗ nặng vẫn quyết bám trụ Việt Nam?

Tính đến nay, số lỗ của K+ tại Việt Nam đã lên đến 1.900 tỉ đồng. Tại sao K+ lại cố gắng mở rộng dù chịu lỗ lớn như vậy?
Vì sao K+ dù lỗ nặng vẫn quyết bám trụ Việt Nam?

Sau 5 năm đặt chân đến Việt Nam, K +, hãng truyền hình liên doanh với Pháp nổi tiếng nhờ độc quyền phát sóng ngoại hạng Anh - giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh vẫn ca bài ca thua lỗ.

Lỗ nặng như vậy nhưng K+ vẫn chưa từng bao giờ tỏ ý định ngừng kinh doanh tại Việt Nam. Bất chấp giá bản quyền giải Ngoại hạng Anh liên tiếp phá kỷ lục, K+ vẫn kiên trì giành quyền phát hành giải đấu này để cung cấp cho khán giả Việt.

Tính đến nay, số lỗ của K+ tại Việt Nam đã lên đến 1.900 tỉ đồng. Tại sao K+ lại chịu lỗ lớn như vậy? Hẳn đây là tình yêu của hãng truyền hình Pháp với người Việt?

Cũng có thể là không. Thậm chí số liệu còn cho thấy điều ngược lại. Hóa ra, người Việt Nam mới là những người yêu K+. Thống kê của Vivendi cho thấy, số thuê bao tích lũy của K+ tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh.

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, số thuê bao đã tăng lên gấp đôi, đạt 816.000 thuê bao. Doanh thu của K+ cũng tăng trưởng tốt. Năm 2014, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của liên doanh này đạt 1.232,6 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2013.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, hiện có 40 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, 7,5 triệu thuê bao với doanh thu từ thuê bao là 6.000 tỷ đồng.

Như vậy, riêng K + đã chiếm gần 14% số doanh thu trên.

Nếu so sánh với các nhà cung cấp khác, giá K+ cao hơn rất nhiều. Giá một đầu thu HD hiện tại khoảng 2 triệu đồng, với mức phí tới 220.000 đồng/tháng cho đầu thu HD. Nếu khách hàng đã lắp đặt của nhà cung cấp khác và muốn xem K+, họ sẽ phải mua thẻ cào với giá khoảng 150.000 đồng/tháng.

Dù doanh thu rất đáng kể và tăng trưởng nhanh, nhưng K+ chưa bao giờ đóng thuế thu nhập. Đơn giản bởi doanh nghiệp này vẫn đang lỗ nặng. Một vài nghi ngờ K+ tiến hành chuyển giá để trốn thuế, cơ quan thuế đã vào cuộc xem xét nhưng chưa có kết quả điều tra.

Trong khi tình hình tài chính nguy ngập đến độ người ta đặt nghi vấn về việc phá sản, công ty này vẫn không ngừng mở rộng. Càng mở, K+ càng lỗ. Càng lỗ, số thuê bao và doanh thu của K+ càng tăng nhanh.

Người ta đặt ra câu hỏi không hiểu một doanh nghiệp càng làm càng thua mà vẫn quyết tâm bám trụ lại làm gì?

Đó là vì tình yêu của K+ với người hâm mộ thể thao Việt Nam, hay bởi khán giả Việt Nam đang ngày càng yêu K+?

Theo Trí thức trẻ