|
Thị trường khách sạn Hà Nội trong quý III/2024 không có dự án mới, giá thuê giảm nhẹ |
Báo cáo quý III/2024 của đơn vị nghiên cứu Savills cho biết, thị trường khách sạn Hà Nội không ghi nhận dự án mới. Nguồn cung hiện tại của ngành khách sạn duy trì ổn định theo quý với 11.120 phòng từ 67 dự án. Nguồn cung hiện tại tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, với khoảng 5.500 phòng.
Trong đó, tỷ lệ khách sạn 5 sao chiếm 59%. Nguồn cung khách sạn 5 sao tăng 8% theo năm, trong khi nguồn cung khách sạn 4 sao giảm 7% do dự án Eastin Hotel & Residences thay đổi thương hiệu thành Movenpick Living West, và được chuyển từ 4 sao lên 5 sao.
Đối với khách sạn 3 sao, nguồn cung giảm 3% theo năm do hai dự án A25 Asean và Minh Cường không còn được xếp hạng.
Giá thuê trung bình trong quý đạt mức 2,7 triệu đồng/phòng/đêm, giảm 2% so với quý trước. Phân khúc 5 sao cũng ghi nhận mức giảm 2% theo quý và 1% theo năm. Trong khi đó, giá thuê phòng tại các dự án 4 sao tăng nhẹ 2% theo quý và 1% theo năm.
Lý giải thực trạng thị trường khách sạn giảm giá thuê, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: “Quý III hàng năm thường là giai đoạn thấp điểm của các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng. Do đó, nhiều dự án khách sạn đồng loạt triển khai các chương trình ưu đãi và các gói du lịch kích cầu, với mục tiêu thu hút khách du lịch trong mùa thu cũng như hưởng ứng chương trình thúc đẩy du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ”.
Với các chương trình kích cầu, ngành du lịch đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong thời điểm quý III. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng doanh thu du lịch Hà Nội đạt 81.932 tỷ đồng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hà Nội đồng thời đã đón 21,1 triệu lượt du khách, tăng 11,7% theo năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 4,4 triệu người tăng 40,8% theo năm và khách nội địa đạt 16,7 triệu người tăng 5,8% theo năm.
Tính riêng tháng 9, lượng khách quốc tế Hà Nội đón đạt 510,6 nghìn lượt khách. Trong đó có 360.000 khách lưu trú, tăng 3% theo quý và tăng tới 32% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch đang ghi nhận những tín hiệu khả quan, hiệu suất của thị trường khách sạn trong quý III vẫn chưa thực sự bứt phá, với công suất đạt 67%, không thay đổi so với quý trước và tăng 6 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ông Matthew, thị trường khách sạn vẫn còn nhiều tiềm năng phục hồi ngắn hạn.
Triển vọng về nguồn cung mới cũng đáng chú ý. Đặc biệt, một dự án khách sạn 5 sao dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2024, sẽ cung cấp thêm 207 phòng. Giai đoạn từ 2025 đến 2026, thị trường dự kiến cung cấp 3.035 phòng từ 12 dự án mới. Trong đó các khách sạn 5 sao chiếm ưu thế với 77% và các dự án 4 sao chiếm 23% nguồn cung, hứa hẹn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú tại thành phố.
Về vị trí, khu vực Nội thành dự kiến sẽ chiếm 41% tổng nguồn cung mới, tương đương 5.027 phòng từ 22 dự án. Các thương hiệu quốc tế như Hilton, Fusion, Accor và Four Seasons sẽ tiếp tục chiếm ưu thế khi quản lý 66% nguồn cung mới. Trong khi đó, 34% nguồn cung mới còn lại sẽ do các đơn vị quản lý nội địa quản lý, mang đến cho du khách nhiều đa dạng sự lựa chọn về thương hiệu.