Việt Nam đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 trong khi cả thế giới mới phát hiện hơn 90 trường hợp. Việc này khiến nhiều người lo ngại, nhất là khi chuyên gia của Đại học Pittsburgh cảnh báo về đại dịch cúm gia cầm quy mô lớn, nguy hiểm hơn COVID-19 gấp 100 lần.
Để tìm hiểu về những nguy cơ của cúm A/H9, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn chiến lược và kỹ thuật các bệnh truyền nhiễm bị quên lãng của WHO.
Tỷ lệ tử vong cao nhất
Việt Nam đã có ca cúm A/H9 đầu tiên. Bệnh này nguy hiểm như thế nào?
TS. Vũ Quốc Đạt:. Hầu hết các virus cúm loài người đã từng biết tới đều có khả năng gây bệnh cho gia cầm, nhưng một số chủng cúm của gia cầm có thể lây cho người như H5N1, H7N9 và gần đây là cúm A/H9.
Cúm gia cầm lây sang người có tỷ lệ tử vong cao hơn cúm mùa rất nhiều: Cúm mùa tỷ lệ tử vong thường dưới 0,1%, trong khi cúm gia cầm như H5N1 có tỷ lệ tử vong cao nhất mà loài người từng biết, tới 50%. Cúm H7N2 tỷ lệ tử vong 20% và cúm H9 ở người thì bước đầu mới xác định là 2%.
Cúm gia cầm được quan tâm bởi luôn tiềm ẩn nguy cơ trở thành đại dịch, vì khi gây bệnh cho người, virus cúm có thể thích nghi trên người và có khả năng lây truyền từ người sang người và trở thành đại dịch.
Như vậy, cúm gia cầm có thể thành đại dịch lớn hơn dịch COVID-19?
TS. Vũ Quốc Đạt: Xét về các đại dịch ở người thì bệnh cúm là căn nguyên gây số ca mắc và tử vong lớn nhất thế giới, vượt xa các nguyên nhân khác.
Cúm gia cầm nguy hiểm hơn COVID-19 vì khả năng virus biến đổi nhanh hơn. Với 18 loại kháng nguyên H, 11 kháng nguyên N thì virus cúm có thể tổ hợp lại gần 200 chủng virus. Đặc biệt, chúng có thể thích nghi với người, độc lực cao hơn các virus đường hô hấp khác và lây truyền nhanh hơn, nên khả năng bùng phát dịch cao hơn.
Đại dịch cúm gần nhất xảy ra vào năm 2009 -2010, do virus cúm A/H1N1, ban đầu chỉ một số nhiễm cúm từ lợn sang người, nhưng chỉ sau 3 tháng, virus cúm này đã gây thành đại dịch.
Ông đánh giá thế nào về nguy cơ dịch cúm gia cầm, nhất là H9, ở Việt Nam?
TS. Vũ Quốc Đạt: Ở Đông Nam Á, nhất là Việt Nam và Trung Quốc, là điểm nóng của cúm gia cầm, vì thường nuôi gia cầm xung quanh nhà với tổng đàn rất lớn. Khi virus cúm gây bệnh cho gia cầm ở quy mô lớn như vậy, sẽ làm tăng nguy cơ lây sang người. Ngoài ra, chim hoang dã cũng là một nguồn lây bệnh.
Đã từng có nhiều đại dịch cúm bắt nguồn từ châu Á như cúm A/H2N2 năm 1957 ở Trung Quốc, cúm Hồng Kông H3N2 năm 1968 ở Hồng Kông, và cúm A/H5N1, H7N9 đều được phát hiện tại khu vực này và lan ra thế giới.
Không thể nhận biết cúm A/H9 nếu không xét nghiệm
Việc nhận biết cúm A/H9 hiện còn chưa mấy người biết đến. Ông có thể chia sẻ về điều này?
TS. Vũ Quốc Đạt: Với cúm gia cầm nói chung, cúm A/H9 nói riêng, không thể chẩn đoán được nếu không làm xét nghiệm.
Trong dịch cúm A/H5N1 ở Hong Kong năm 1997 và năm 2003, những bệnh nhân đầu tiên được phát hiện đều liên quan đến tiếp xúc với gia cầm ở nơi buôn bán, chăn nuôi gia cầm. Với những bệnh nhân có triệu chứng nhiễm trùng cấp tính, suy hô hấp tiến triển nhanh, mà có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, hoặc sống trong khu vực có gia cầm ốm, chết, thì bác sĩ sẽ cho xét nghiệm để chẩn đoán.
Vì thế, nếu người dân từng tiếp xúc với gia cầm, chế biến, hay ăn thịt gia cầm ốm, hoặc xung quanh nơi ở có gia cầm chết hàng loạt, sau đó xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng hô hấp, nhất là có biểu hiện nặng, phải thông báo với nhân viên y tế để được ghi nhận yếu tố dịch để được làm xét nghiệm cúm.
Việc xét nghiệm cúm gia cầm hiện có được bảo hiểm y tế không?
TS. Vũ Quốc Đạt: Hiện cúm gia cầm nằm trong Chương trình giám sát cúm quốc gia nên các cơ sở xét nghiệm như Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các bệnh viện tuyến Trung ương có sẽ xét nghiệm miễn phí. Còn tuyến tỉnh sẽ chuyển mẫu tới các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), nếu quá khả năng của cơ sở, các mẫu sẽ được chuyển tới hệ thống Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chuyên sâu về nguy cơ cúm gia cầm.
Hiện nay, Việt Nam đủ khả năng xét nghiệm cúm gia cầm, đặc biệt là tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM và một số bệnh viện tuyến trung ương khác. Thông thường, các phòng xét nghiệm sẽ sẽ xét nghiệm tuần tự để chẩn đoán type cúm (có thể là cúm A, cúm B, hay cúm C), sau đó sẽ xét nghiệm tới thứ type của cúm.
Hiện, cúm A/H9 đã có vắc xin và thuốc điều trị chưa, thưa ông?
TS. Vũ Quốc Đạt: Chúng ta chỉ có vắc xin cúm mùa cho người, chứ chưa có vaccine cúm gia cầm cho người, nhưng có vaccine cúm dành cho gia cầm.
Việc điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng virus thì hiện vẫn dùng Oseltamivir. Đa phần các chủng cúm A trên thế giới vẫn nhạy với Oseltamivir. Tuy nhiên, hiệu lực của thuốc đối với cúm A/H9 cần phải nghiên cứu thêm.
Nguy cơ lây từ người sang người
Theo ông, việc lây cúm gia cầm từ người sang người có đáng lo ngại?
TS. Vũ Quốc Đạt: Nguy cơ cúm gia cầm lây truyền từ người sang người là có, nên cần phải giám sát, vì khả năng biến đổi thường xuyên của loại này. Hiện nay, chưa có bằng chứng virus cúm gia cầm lây truyền dễ dàng từ người sang người nhưng chúng ta cần nhận thức và cần cảnh báo về nguy cơ này.
Những người sức khoẻ yếu sẽ có nguy cơ lây cúm gia cầm H9 cao hơn, thưa ông?
TS. Vũ Quốc Đạt: Cúm gia cầm H9 khác các loại cúm mùa khác ở chỗ virus này là loại virus mới, nên chưa có ai có miễn dịch. Bởi vậy, tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm giống nhau, cả người yếu lẫn người khoẻ. Nhưng những người mắc bệnh nền sẽ có nguy cơ tiến triển nặng hơn nếu mắc.
Tỷ lệ tử vong của virus cúm A/H9 là 2%?
TS. Vũ Quốc Đạt: Từ năm 2015 đến nay đã có 98 trường hợp nhiễm bệnh, chủ yếu là ở Trung Quốc, một số từ Campuchia, trong đó có 2 ca tử vong. Do số ca mắc virus cúm A/H9 chưa nhiều nên phải theo dõi, giám sát xem độc lực của chúng có giảm theo thời gian như cúm mùa hay không.
Điều các chuyên gia lo sợ nhất là viễn cảnh sẽ có một loại virus cúm có độc lực cao như H5N1 và tốc độ lan nhanh như dịch COVID-19 thì sẽ gây tổn thất lớn và không một hệ thống y tế nào chịu được.
Quá ít thông tin về virus cúm A/H9
Ông đánh giá thế nào về khả năng phải đối mặt với dịch cúm A/H9?
TS. Vũ Quốc Đạt: Chúng ta không biết độc lực cúm A/H9 có tăng không, khi thông tin về virus cúm A/H9 còn quá ít. Trong khi cúm mùa đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu người mắc, thì cúm A/H9 mới chỉ có 98 ca.
Diễn biến dịch cúm gia cầm rất khó dự báo vì số lượng ca mắc tương đối rải rác, vật chủ tự nhiên lại nhiều, virus cúm mới lại có khả năng vừa lây bệnh cho gia cầm, vừa lây cho gia súc và biến đổi thích nghi trên người. Đặc biệt, khả năng đột biến của virus cúm cao hơn COVID-19 nên dễ xuất hiện biến chủng mới hơn.
Cần nhắc lại rằng, năm 2002, dịch SARS xuất hiện thì ngay năm 2003, chúng ta đã đối mặt với dịch cúm gia cầm. Vì thế, nếu không giám sát tốt các bệnh do cúm, sẽ dễ lặp lại lịch sử. Thực tế là sau khi dịch COVID-19 được khống chế, WHO đã cảnh báo thế giới cần thận trọng kẻo đối mặt với đại dịch cúm.
WHO có thay đổi gì trong việc ứng phó với bệnh cúm gia cầm ở người?
TS. Vũ Quốc Đạt: Tôi nghĩ virus cúm có nhiều đặc điểm nguy hiểm hơn virus SARS-Cov-2 nếu xét về đặc điểm của virus. Năm 2022, WHO đã ban hành hướng dẫn điều trị bệnh cúm, tập trung vào các khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus, bao gồm các loại thuốc có thể sử dụng và đối tượng nào nên được điều trị thuốc kháng virus, cũng như các chiến lược xét nghiệm, điều trị. Hiện tại, WHO cũng đang đang cập nhật hướng dẫn này dựa trên các bằng chứng khoa học mới.
Còn ở Việt Nam, với những bài học lịch sử về các đại dịch từ các nhiễm trùng hô hấp do virus, Bộ Y tế nên quan tâm đến lĩnh vực truyền nhiễm nhiều hơn, đặc biệt trong vấn đề đào tạo nhân lực, nâng cao chuyên môn, thiết lập các khoa, đơn vị điều trị bệnh truyền nhiễm trong các bệnh viện đa khoa.
Sau dịch COVID-19, hệ thống truyền nhiễm chưa được củng cố nhiều để có thể ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh, không phải chỉ nhiễm trùng hô hấp mà còn rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác, trong khi chắc chắn trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với các đại dịch khác.
Cám ơn ông!