|
Một trong những nội dung làm nóng buổi toạ đàm "Áp lực lạm phát năm 2022 và các đề xuất chính sách" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm 16/9 là câu chuyện xoay quanh hạn mức tín dụng (hay còn gọi là 'room' tín dụng).
Các chuyên gia đồng tình với quan điểm cần phải thay thế 'room' tín dụng bằng công cụ mang tính thị trường hơn, song điều này chưa thể thực hiện trong ngắn hạn.
TS. Cấn Văn Lực cho biết, hạn mức tín dụng có thể vẫn được duy trì trong tương lai gần để phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và nhiều mục tiêu khác của nhà điều hành. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng ủng hộ việc nghiên cứu bỏ công cụ này trong 1-2 năm tới và thay bằng các công cụ khác mang tính thị trường hơn, gián tiếp hơn.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh cho hay, 'room' tín dụng không phải là công cụ thị trường mà là công cụ hành chính can thiệp trực tiếp vào tổng tín dụng của nền kinh tế. Những bất ổn kinh tế vĩ mô đoạn 2006 - 2011 đã cho thấy việc kiểm soát tốt tổng tín dụng đóng vai trò rất quan trọng.
Vị chuyên gia này đánh giá 'room' tín dụng là công cụ rất tốt để cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Theo đó, nhà băng nào làm tốt sẽ được nới nhiều, ngân hàng nào gặp vấn đề sẽ được nới (room) ít hơn. 'Room' tín dụng còn là 'phần thưởng', khuyến khích các nhà băng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, 'ngân hàng 0 đồng'.
"Hạn mức tín dụng sẽ bỏ nhưng không phải bây giờ", TS. Vũ Đình Ánh khẳng định. Vị chuyên gia này cho rằng, các công cụ mang tính thị trường chỉ thực sự phát huy hiệu quả trong một môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, và các nhà băng đều tuân thủ nghiêm túc các quy định.
Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam, do đó, sẽ không có chuyện hy sinh kiểm soát lạm phát để đổi lấy mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, lạm phát chỉ là một trong những yếu tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô nên cần phải nghiên cứu thêm các yếu tố khác./.