Tháng 9, áp lực lạm phát và thanh khoản ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo CEO WiGroup, thị trường tài chính Việt Nam tháng 9 sẽ không được tươi sáng như tháng 8 khi áp lực về lạm phát, tỷ giá, lãi suất và thanh khoản hệ thống ngân hàng ngày càng dâng cao.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng năm 2020 là 3,96%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 250,8 tỉ USD; nhập khẩu đạt 246,84 tỉ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu với 3,96 tỉ USD.

Ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup. (Ảnh: VWA)
Ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup. (Ảnh: VWA)

Theo ông Trần Ngọc Báu – CEO WiGroup, các chỉ số vĩ mô trong tháng 8/2022 là tương đối tích cực. Tuy nhiên, vị chuyên gia đánh giá kết quả đạt được phần nhiều là do mức nền so sánh thấp và độ trễ chính sách đối với thị trường tài chính Việt Nam.

Cụ thể, ông Báu cho rằng, cùng kỳ năm ngoái là thời điểm giãn cách xã hội nên các chỉ số vĩ mô năm nay không cần đạt con số quá lớn thì vẫn có thể có mức tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, tất cả những chính sách thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra kể từ đầu năm đến nay vẫn chưa “thẩm thấu” đủ lớn vào nền kinh tế.

"Độ trễ của chính sách thường kéo dài từ 1-1,5 năm và đây chưa phải là thời điểm các chính sách thắt chặt có sự tác động. Các ngân hàng vẫn có đủ thanh khoản để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế", vị chuyên gia nhận định.

Theo CEO WiGroup, nếu nhìn toàn cảnh thị trường tài chính thì các chỉ số ở khu vực tiền tệ vẫn tương đối tiêu cực. Thậm chí là sang tháng 9, các chỉ số này có thể còn tiêu cực hơn khi một số chỉ số vĩ mô bắt đầu có sự phân hóa.

Ông Trần Ngọc Báu phân tích, giai đoạn hiện tại cần tập trung vào 4 nhóm chỉ số vĩ mô quan trọng là lạm phát, tỷ giá, thanh khoản hệ thống – lãi suất, và sức khỏe nền kinh tế.

Đối với lạm phát, tháng 8/2022, chỉ số lạm phát ở Việt Nam nhìn chung tích cực khi giá cả hàng hóa gần như không thay đổi so với tháng 7. Tuy nhiên, ông Báu đánh giá đây chỉ là yếu tố mang tính tạm thời, đồng thời cho rằng áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh hơn từ tháng 9.

Tương tự, vị chuyên gia này đánh giá tỷ giá sẽ tiếp tục căng thẳng trong một tháng tới, khi tháng 9/2022 là thời điểm FED phải đưa ra những chính sách mới để kiềm chế lạm phát.

“Việc FED duy trì chính sách thắt chặt khiến kỳ vọng về DXY (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD) tiếp tục mạnh lên, trong khi Việt Nam vẫn chưa có một công cụ đủ mạnh ngoài việc tăng lãi suất để kìm đà tăng của tỷ giá”, ông Báu nói.

CEO WiGroup nhận định, việc FED tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ sắp tới sẽ tạo áp lực buộc Việt Nam phải nâng lãi suất thị trường liên ngân hàng, đồng nghĩa với việc NHNN phải tiếp tục bán USD để can thiệp vào thị trường.

Thực tế, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại lớn đã tăng từ 4,5% lên khoảng 5,6%, còn các ngân hàng nhỏ hơn, áp lực ít hơn tăng khoảng 0,5%.

“Chính việc kìm hãm lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ dẫn đến chênh lệch về tăng trưởng huy động và tín dụng cao hơn”, ông Báu phân tích và cho biết lần đầu tiên kể từ năm 2013, tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thấp hơn tổng tín dụng trong nền kinh tế, điều này sẽ gây áp lực lên hệ thống thanh khoản trong trung và dài hạn.

Tổng tiền gửi lần đầu ít tổng tín dụng trong nền kinh tế kể từ năm 2013

Tổng tiền gửi lần đầu ít tổng tín dụng trong nền kinh tế kể từ năm 2013

Theo vị CEO, năm 2023, thanh khoản hệ thống ngân hàng mới thực sự gặp khó khăn, mặt bằng chung của nền kinh tế bắt đầu áp lực hơn.

“Nếu phải dự phóng về thị trường tài chính Việt Nam, tôi cho rằng tháng 9 sẽ không còn tốt đẹp như tháng 8”, ông Trần Ngọc Báu dự báo.

Ở chiều hướng tích cực, ông Phan Lê Thành Long – Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam – đánh giá, nội lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đã tốt hơn và có sự ứng phó chủ động hơn nhiều so với giai đoạn 2011-2013.

Ông Long dẫn chứng, một số ngân hàng đang quảng cáo phát hành trái phiếu ra công chúng, điều này thể hiện sự chủ động trong việc sử dụng các công cụ khác nhằm huy động tiền để gia tăng thanh khoản.

Bên cạnh đó, cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN hiện nay cũng rất linh hoạt, có nhiều kinh nghiệm hơn so với giai đoạn trước đó và tính nhất quán trong ổn định vĩ mô của Chính phủ cũng rõ nét hơn./.