Vì sao các hãng công nghệ Mỹ từ chối bán công nghệ nhận diện khuôn mặt cho cảnh sát?

VietTimes – Microsoft, IBM và Amazon đều lên tiếng khẳng định sẽ không bán công nghệ nhận diện khuôn mặt cho phía cảnh sát vào thời điểm này.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể bị sử dụng vào mục đích xấu (ảnh: Microsoft)
Công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể bị sử dụng vào mục đích xấu (ảnh: Microsoft)

Sau khi Amazon và IBM đưa ra quan điểm rằng sẽ không bán công nghệ nhận diện khuôn mặt cho phía cảnh sát, thì người khổng lồ công nghệ Microsoft cũng tuyên bố nội dung tương tự.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Pháp lý của Microsoft, ông Brad Smith hôm 11/6 nói rằng công ty sẽ không bán công nghệ này cho các sở cảnh sát cho đến khi có luật liên bang điều chỉnh về vấn đề này.

Vào tháng 4 năm 2019, Microsoft đã từ chối cài đặt công nghệ nhận diện khuôn mặt trên cảnh phục và xe hơi của cảnh sát bang California, do lo ngại về quyền con người. Trong sự kiện Post Live hôm 11/6, ông Smith đã nhắc lại quan điểm này, nhưng cũng nói thêm rằng Microsoft sẽ cân nhắc các yếu tố khác để có quyết định bán công nghệ hay không.

Thực tế thì năm 2018, trong một tuyên bố đăng tải trên Blog của mình, Microsoft đã nói rằng nhận diện khuôn mặt là một tiến bộ công nghệ không thể phủ nhận. Nó mang lại nhiều lợi ích xã hội quan trọng nhưng cũng có khả năng bị lạm dụng cho mục đích sai trái. Vì thế, Microsoft thấy cần phải nghiên cứu và thảo luận rộng hơn về vấn đề này. Người khổng lồ công nghệ Mỹ cũng nói rằng chính phủ nên đưa ra một bộ luật để điều chỉnh công nghệ nhận diện khuôn mặt, để nó không vi phạm quyền riêng tư và được ứng dụng vào những mục đích tốt đẹp.

Một phần của tuyên bố đó có nội dung như sau:

Để việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt không xâm phạm các quyền tự do dân chủ, các cơ quan thực thi pháp luật chỉ được sử dụng công nghệ này để giám sát các cá nhân trong không gian công cộng khi:

-       Một lệnh của tòa án đã được ban hành cho phép sử dụng nhận diện khuôn mặt để giám sát

-       Trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến nguy hiểm sắp xảy ra, nguy cơ tử vong, hoặc thương tích nghiêm trọng cho cá nhân.

Microsoft đã đưa ra một số nguyên tắc cho việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong vài năm qua, bao gồm: công bằng, minh bạch, trách nhiệm, không phân biệt đối xử, thông báo và giám sát hợp pháp. Nguyên tắc giám sát quy định rằng Microsoft sẽ “không triển khai công nghệ nhận diện khuôn mặt trong các tình huống mà chúng tôi (Microsoft-PV) tin rằng sẽ gây nguy hại cho quyền tự do riêng tư”.

Phóng viên tờ ZDNet đã đặt câu hỏi cho Microsoft rằng liệu có sự thay đổi nào về chính sách của hãng trong 2 năm qua. Người phát ngôn của Microsoft cho biết:

“Trong hai năm qua, chúng tôi đã tập trung vào việc phát triển và thực hiện các nguyên tắc mạnh mẽ chi phối việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Chúng tôi đã kêu gọi quy định mạnh mẽ của chính phủ. Hiện tại, Microsoft không bán công nghệ nhận diện khuôn mặt cho các sở cảnh sát Hoa Kỳ cho đến khi có luật quốc gia mạnh mẽ dựa trên quyền con người. Chúng tôi cam kết hợp tác với các cơ quan hữu trách để ủng hộ luật pháp cần thiết. Chúng tôi cũng nhân cơ hội này để xem xét sâu hơn nữa các quy trình đánh giá cho bất kỳ khách hàng nào muốn sử dụng công nghệ này”.

Một hãng công nghệ khác là Amazon ngày 10/6 vừa qua cũng tuyên bố rằng họ sẽ thực hiện lệnh cấm bán có thời hạn một năm với công nghệ nhận diện Rekognition mà họ phát triển. Một ngày trước đó, hãng công nghệ IBM cho biết sẽ không cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt vì sợ nó có thể thúc đẩy sự phân biệt chủng tộc và bất công. Trong một lá thư gửi Quốc hội, Giám đốc điều hành IBM Arvind Krishna nói rằng cần phải có một cuộc đối thoại quốc gia về cách các cơ quan thực thi pháp luật triển khai công nghệ này.

Một số thành phố ở Mỹ đã cấm sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Năm ngoái, San Francisco, Oakland và San Diego là một trong số những thành phố cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt với lý do công nghệ này có những hạn chế và thiếu tiêu chuẩn xung quanh việc sử dụng nó, và cũng thúc đẩy sự thiên vị gây hại cho thiểu số.

Về phần mình, Amazon cho biết họ sẽ cho phép các tổ chức như Thorn, Trung tâm quốc tế về trẻ em mất tích và bị bóc lột, và Marinus Analytics sử dụng công nghệ Rekognition "để giúp giải cứu nạn nhân buôn người và đoàn tụ trẻ em mất tích với gia đình".