Vì sao các đối tác của Apple thường không dám nhắc đến tên nhà Táo trước truyền thông?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Apple là một trong những gã khổng lồ công nghệ có vốn hóa lớn nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, các đối tác của nhà Táo luôn tránh nhắc đến tên Apple.
Ảnh: The Wall Street Journal
Ảnh: The Wall Street Journal

Apple là nhà sản xuất điện thoại thông minh thống trị của Mỹ, cái tên quen thuộc với vốn hóa lên tới hàng nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, với các đối tác của Táo khuyết, "Apple" là cái tên phải tránh trong các tài liệu để không bị lộ bí mật kinh doanh.

Ở châu Á, công ty này đôi khi được nhắc đến một cách né tránh trong các báo cáo với đa dạng tên gọi từ "công ty trái cây", "Fuji" tại Nhật Bản, cho đến "công ty trị giá ba nghìn tỉ USD", "khách hàng Bắc Mỹ danh giá"...

Trong một hồ sơ chứng khoán hồi tháng Giêng, O-Film Group, một nhà sản xuất mô-đun camera điện thoại thông minh của Trung Quốc cho biết họ ước tính khoản lỗ lên tới 426 triệu USD vào năm 2021. Một trong những nguyên nhân là "do tác động của một khách hàng bên ngoài biên giới". Tuy nhiên, khi được hỏi là khách hàng nào, đại diện O-Film Group không trả lời.

Trái ngược với nhân vật chúa tể Voldemort trong loạt truyện Harry Potter, hãng A giấu tên không xuất hiện cạnh một con rắn lớn hay ếm những lời nguyền chết chóc. Nhưng sức mạnh của thương hiệu này lại đáng gờm không kém cạnh Voldemort. Apple có thể là người mang đến, cũng có thể là kẻ tước đoạt những hợp đồng linh kiện và dịch vụ điện tử trị giá hàng trăm triệu USD.

Đây chính là lý do tại sao những nhà cung ứng luôn e ngại khi nhắc đến tên tập đoàn công nghệ trong những lần phát ngôn. Họ sợ mình vô tình làm lộ những thông tin trọng yếu. Bên cạnh bí mật thương mại thông thường, nó có thể tác động đến cả sự tồn tại của mối quan hệ đối tác.

Theo WSJ, việc nhắc tên đến Apple có thể khiến công ty đó gặp rắc rối. Trong một tài liệu gửi đến tòa án năm 2014, GT Advanced Technologies nhắc đến thỏa thuận tuyệt mật với Apple. Công ty này, hiện đã phá sản, cam kết sẽ phải trả 50 triệu USD cho mỗi lần làm lộ thông tin. Thỏa thuận này ghi rõ không chỉ thông tin thương mại thông thường, chỉ riêng việc thừa nhận có quan hệ làm ăn với Apple đã là lộ bí mật.

Ảnh: The Wall Street Journal

Ảnh: The Wall Street Journal

Vào năm 2020, sau cách ly xã hội do đại dịch Covid-19, buổi ra mắt sản phẩm mới vào tháng 9 hàng năm của hãng công nghệ hình trái táo cắn dở có phần chậm trễ. Nguyên nhân được cho là đến từ các nhà cung ứng linh kiện. Nhưng không một ai hay biết cụ thể đó là nguyên nhân gì.

Trong buổi báo cáo tài chính vào tháng 6/2020 của hãng sản xuất chip Broadcom, một nhà phân tích cho rằng “mức tăng trưởng của hãng công nghệ giấu tên sẽ chững lại do ‘thời vụ’”. CEO Hock E. Tan của Broadcom ngay lập tức hiểu ra vấn đề.

Ông Tan cho biết mình hiểu nhà phân tích đang ám chỉ điều gì. Ông cũng xác nhận Broadcom đang sản xuất chip cho “một thương hiệu smartphone hàng đầu tại Bắc Mỹ”. Hock E. Tan thừa nhận sản phẩm của hãng đó đang bị chậm.

Điện thoại thông minh Galaxy của Samsung Electronics Co. là đối thủ hàng đầu đối với sản phẩm chủ lực của công ty trái cây nhưng công ty Hàn Quốc cũng cung cấp màn hình và các bộ phận khác cho sản phẩm đó. Các nhân viên của Samsung đôi khi gọi kẻ thù không đội trời chung của họ với biệt danh LO, viết tắt của “Đối thủ đáng yêu” (Lovely Opponent).

Tập đoàn Foxconn hiện là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Apple. Mới đây, bản báo cáo hàng năm của tập đoàn, tuy dài 860 trang nhưng chỉ nhắc đến tên vị khách hàng thân thiết một lần duy nhất. “Hãng A” nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách những đối tác quan trọng của Foxconn, đơn giản vì bảng được xếp theo thứ tự từ A - Z.

TSMC, đảm nhiệm việc đúc chip cho Apple, cũng nhắc đến hãng hai lần trong báo cáo tài chính mới nhất, nhưng không phải với tư cách khách hàng, mà là nhà phát hành trái phiếu do TSMC nắm giữ.

Khi được yêu cầu bình luận, một nữ phát ngôn viên của TSMC tránh nêu tên các khách hàng cụ thể nhưng cho biết, “Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin của khách hàng là thông qua việc bảo vệ thông tin bí mật của khách hàng”.

Apple không phải là công ty duy nhất nhạy cảm khi bị các đối tác gọi tên. Thực tế, Apple khá minh bạch về danh sách đối tác. Hàng năm, hãng vẫn phát hành bảng danh sách đối tác, có khoảng 200 cái tên của mình.

O-Film, hãng cung ứng mô-đun camera, cho biết ngoài việc ngừng hợp tác với “đối tác nước ngoài”, doanh thu của công ty còn bị ảnh hưởng bởi “H”. Nhà sản xuất linh kiện mô tả “H” là một hãng smartphone tại Trung Quốc bị cấm vận về nguồn cung chip. Không cần tìm hiểu quá sâu, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hãng H này là Huawei, tập đoàn bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vào năm 2020.

Hiện Apple vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này.

Theo The Wall Street Journal